Trần Vũ Liệu - K6BC11R
1
Tháng 5 năm 1972 chúng tôi nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Phú Bình Bắc Thái, ngày 17 tháng 8 chúng tôi được lệnh lên đường. Nói là lên đường đi chiến đấu thì cũng không phải, là lính mà, có lệnh đi là đi thôi chứ không biết là đi đâu. Nhưng trong lòng thì cũng nhói lên một ý nghĩ, kỳ này ra đi có thể là mãi mãi, không về. Ngày lên đường, trung đội tôi có cảnh buồn : người nhà của một số bạn không hiểu sao biết được ngày ra đi của chúng tôi nên đã vượt đường xa đến để đưa tiễn. Thế là cảnh chia tay bịn rịn diễn ra, người buồn, kẻ khóc nức nở…làm chúng tôi chân đi mà lòng nặng trĩu.
Đoàn 1040 chúng tôi ra ga tàu hỏa ở bến Lương Sơn vào một buổi chiều, một bến tàu quen thuộc với dân cơ điện thời đó. Tất cả lên tàu và con tàu đưa chúng tôi xuống phía nam. Các toa tàu im ắng, hình như trong lòng mọi người đều nặng trĩu những ưu tư. Đến nửa đêm thì tàu về đến ga Hàng Cỏ, dừng một lúc rồi lại chuyển bánh. Lúc bấy giờ vào khoảng 12 giờ đêm, ánh đèn vàng vọt trên những con phố thân quen từ từ lùi lại phía sau, đường phố Thủ đô thời chiến tranh, thưa thớt người qua lại. Đám lính ra trận bỗng dưng ồn ào, thì ra mọi người tranh thủ vứt các lá thư đã viết sẵn xuống đường phố để ai đó nhặt được sẽ đưa đến nhà hộ. Cảnh tượng người trên ném thư xuống, người dưới đường chạy đi chạy lại nhặt thư xen lẫn với những câu chào tạm biệt, hẹn ngày về…thật là bi tráng.
Xuống đến ga Thường Tín, trong đêm, chúng tôi được lệnh xuống tàu và hành quân vào trạm giao liên 1 là trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trên đường vào B. Trạm 1 nằm tại một làng nhỏ ngoại thành Hà Nội, ven bờ sông Hồng. Chúng tôi được nghỉ ngơi tại đây để chờ lệnh tiếp, và cũng chính ở nơi đây, tôi đã có một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời lính mà sau này mỗi khi gặp lại nhau giữa những người bạn CCB cơ điện, mọi người thường hay nhắc lại.
Số là ở trạm giao liên 1 này, chúng tôi nghe đồn sẽ ở lại đây khoảng 14 hay 15 ngày gì đó, rồi cả đoàn sẽ về bộ phận cơ yếu hoặc bộ phận kỹ thuật nào đó mà không phải đi chiến đấu (sinh viên mà lại, giờ nghĩ lại mà thấy hồi đó mình còn mơ mộng quá). Chúng tôi mới ở đây 1 ngày, thời gian còn lại là nhiều, máu tự do nổi lên, tôi nghĩ bụng : tại sao mình không tranh thủ về thăm nhà cái đã nhỉ, chí ít cũng về tạm biệt được ngôi nhà thân yêu, tạm biệt bố và các em tôi rồi lên đường, sau này nếu có gì thì cũng không phải ân hận..Thế là tôi bàn với Phê (CCB k6a)và được sự nhất trí ngay, chả là nhà Phê cũng ở gần đó. Trưa ngày hôm sau, sau khi ăn xong, hai đứa lẳng lặng trốn về nhà Phê, lấy một cái xe đạp và đèo nhau lên phía Hà Nội. Mục tiêu là về nhà tôi, sau đó là đi chơi một vài điểm nữa ở Hà Nội, đến tối thì quay lại đơn vị. Khoảng 3 giờ chiều thì đến nhà tôi (ở phía trước bệnh viện Bạch Mai) .
Không may cho tôi là cũng đúng chiều hôm đó, bố tôi không biết bằng cách nào mà biết được là tôi đang dừng chân ở Thường Tín và quyết định xuống thăm tôi. “Cụ cùng với cô em gái cháu thuê xích lô đi từ trưa rồi”, mấy bà hàng xóm nói vậy và ái ngại cho tôi quá vì con đi chiến đấu về chào bố mà lại không gặp. Các bà khuyên nên quay lại đơn vị, không thì sau này biết đến khi nào gặp lại bố. Buồn quá, phân vân một lúc rồi tôi quyết định quay lại đơn vị để gặp bố tôi và nói với Phê để Phê tự đi tiếp. Tôi vào nhà vớ vội lấy chiếc xe đạp và hộc tốc phóng ngược lại phía Thường Tín. Không hiểu sao lúc ấy lòng dạ tôi nôn nao, phần vì thương bố và em vất vả vì mình, phần vì linh tính mách bảo tôi ở đơn vị chắc có chuyện gì xảy ra.
Trời về chiều, chân tôi đạp càng nhanh hơn, đã gần đến ga Thường Tín. Từ xa đã thấy một đoàn tàu đang đỗ và bóng những người lính lố nhố trên sân ga. Có vẻ như là một cuộc chuyển quân. Tôi bắt đầu thấy hồi hộp, tim đập gấp gáp. Đến cửa ga, trong ánh chiều nhập nhoạng, tôi đã phát hiện ra chính xác là đơn vị tôi đang tập trung lên tàu. Hoang mang cực độ vì không tin vào những gì đã nhìn thấy, tôi lao xe vào trong sân ga và chẳng mấy chốc đã gặp được mấy thằng bạn cùng tiểu đội. “Mày đi đâu mà tiểu đội tìm không thấy, có lệnh đi rồi , họ vừa làm biên bản đào ngũ đấy, gặp và nói họ xóa đi, tìm tiểu đội trưởng ngay đi” “à mà ông già và cô em gái của mày xuống đơn vị thăm mày từ trưa, chờ mãi mà không thấy mày về, không ai biết mày đi đâu ”. Tôi cuống lên “thế bố tôi đâu rồi”, nhiều tiếng lao xao : “Ông cụ cứ nhất quyết nói là tôi không bao giờ cho phép con tôi đào ngũ đâu, nó nhất định sẽ đi mà ” rồi “Hình như cụ với cô em gái không chịu về ngay mà lẽo đẽo theo đơn vị thì phải” và rồi một tiếng kêu lên : “Kia kìa, cụ đứng ở cửa ga kia kìa”. Tôi nhìn về phía ấy, trong ánh chiều tà nhập nhoạng tôi nhận ra bố tôi và em gái tôi đang đứng khép nép bên vệ đường mà lúc nãy tôi đã vội vàng phóng qua không để ý.
Đúng như lời của ai đó đã nói, bố và em tôi không về ngay mà cố chờ tôi cùng với linh cảm rằng sẽ gặp được tôi và thực lòng bố tôi không tin tôi sẽ đào ngũ (sau này gặp lại bố tôi nói vậy). Vì thế, khi đơn vị có lệnh hành quân, bố tôi đã lẽo đẽo đi theo và đứng chờ tôi ở cửa ga với vẻ mặt khắc khoải lo âu, tâm trạng rối bời (Hồi chiến tranh, từ đào ngũ đi liền với những hệ lụy vô cùng tồi tệ, phải trả giá đắt).
Tôi lao ra phía cửa ga và chỉ loáng cái đã ôm lấy bố tôi và em gái tôi. Lặng đi trong giây lát, tôi lắp bắp “Thầy và em về đi, con đi đây, rồi con sẽ về ” và vội vàng ấn chiếc xe đạp vào tay bố tôi. Đúng lúc đó con tàu rú còi báo hiệu chuẩn bị chuyển bánh, mọi người trên tàu gọi và giục tôi lên tàu rối rít, tôi lao trở lại và trèo lên tàu. Tiểu đội trưởng Dục (CCBk4)đi đến trao lại cho tôi ba lô và nói rằng biên bản đào ngũ đã được hủy. Mọi người an ủi tôi, mừng cho tôi đã quay về kịp để tiếp tục lên đường. "Còn Phê không kịp rồi, nó bị “đào ngũ ” rồi, chắc cũng chẳng dám quay về trường…".Tôi nghe mà tâm trí vẫn bàng hoàng, lòng đau như thắt, nước mắt chỉ chực tuôn rơi.
Con tàu quân sự rú một hồi còi dài, xình xịch lao vào màn đêm để lại phía sau kia, trên sân ga hoang vắng, ngổn ngang của một thời bom đạn, có bóng hình của bố và em tôi đang lủi thủi dắt chiếc xe đạp lầm lũi đi về phía Thủ đô.
TVL
Câu chuyện thật cảm động anh Liệu ơi. May mà anh còn về gặp lại gia đình và bây giờ ngồi hồi tưởng lại những ngày đó. Ủa rồi anh Phê sao anh? Anh trai em cũng một lần viết thư ném xuống đường tàu như vậy, nhận được thư, mẹ em khóc quá trời...
Trả lờiXóaCảm ơn TV Liệu! Bạn kể chuyện này hơi sớm 1 năm. Mõ blog định để dành sang năm tròn 40 năm đi B mới kể. Nhưng 40 năm thì để nghe chuyện của thằng Phê vậy. Có lẽ còn hay hơn của Liệu, vì nó không những không đào ngũ mà còn chinh chiến thực thụ hơn bọn mình. Nó "được" trực tiếp cầm súng đi gần khắp chiến trường B cơ.
Trả lờiXóaNghe chuyện Liệu kể càng thấy cần phải sớm tham gia blog đi các bạn K6 ạ. Nếu không thì bao nhiêu kỉ niệm đẹp sẽ bị quên mất đấy. Không phải nói chơi đâu, tuổi già ập đến chân rồi. Tôi gọi cho bao nhiêu bạn động viên mà vẫn không chịu viết. Để lâu an-giê-mơ gì đó thì phí quá! Những mốc son K6 bị dừng lại tháng 9-1972 mà chưa ai viết tiếp cho.
Liệu ơi! Ngày đó mình đâu có được đi tàu về đến ga Hàng Cỏ rồi chỉ dừng một lát đâu? Đoàn 1040 xuống tàu ở ga Yên Viên và hành quân bộ từ đó qua cầu phao sang bên Hà Nội (quãng nhà hát Lớn bây giờ) rồi đi dọc Trần Hưng Đạo vào ga Hàng Cỏ đấy chứ!
Lúc đến bên kia cầu phao còn bị một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, pháo ta bắn lên rực trời kia mà. Hà Nội ngày chiến tranh ấy vắng vẻ và tối om ...
Mà ngày thứ Tư, 17-8 này nhớ ra Lan Chín đấy nhé, kiêng bia cũng cứ ra, Vui-Là-Chính.
Trả lờiXóaLiệu còn nhớ, khi mới xuống tàu ở ga Yên Viên, hành quân bộ dọc đường 1, mới đầu còn hàng ngũ chỉnh tề, chân dập đều bước, vừa đi vừa hát "Hành quân đêm" trên đường mới có 10 mét bê-tông nhựa đã thấy như tiên rồi. Khi đến Gia Lâm nghĩa là sau khoảng 7-8 cây số đi bộ thì đã xộc xệch hàng lối lắm rồi...
Ai còn nhớ gì nữa không, thứ Tư ra Lan Chín kể tiếp nhé!
Bài viết của bạn cảm động quá. Thật không thể có lời nào mô tả được cảm giác của bạn chiều hôm ấy.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã nhớ và viết lại được câu chuyện cảm động đó.
Chúc bạn khỏe và viết được thêm nhiều chuyện thú vị (bạn đúng là có khiếu viết văn).
Bài viết hay và cảm động quá, nhưng có pha “một chút liều” của cơ điện, anh Liệu ạ. Lính K10 bọn em cũng có nhiều kỷ niệm lắm, hy vọng các bạn ấy sẽ nhớ dần và viết để chia sẻ cùng các anh, (như bác Chít nói) không thì già đi lại quên mất!
Trả lờiXóa