K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

16 tháng 9, 2016

NHỚ MIỀN QUÊ ĐẦY LÍNH TĂNG

Trần Minh Hải K6I

       Đang ở F304B suốt ngày rừng rú và trèo đèo lội suối, vai trĩu nặng ba lô súng đạn… Đoành cái, đi tàu xuống ga Vĩnh yên gia nhập lính Tàu bò. Sướng nhẻ, thấy xe tăng hùng dũng tiến lui trên bãi lái mà sướng cả hai con mắt. Trú tại nhà dân (thuở ấy đơn vị nào chả vậy) ngày đêm đều nghe tiếng ầm ỳ của xe tăng tập luyện, ít phải đeo ba lô vác súng hành quân xa liên tằng như khi ở lính Bộ binh. Về binh chủng kỹ thuật thì Quan và Lính Tăng có phong độ khác hẳn so với ở Bộ binh F304B.
Vùng "thủ đô" Lính tăng trú chân huấn luyện, cơ man đồi thấp trồng bạch đàn- xen kẽ các khoảnh ruộng trồng lúa, trồng màu, đường quốc lộ Tỉnh lộ chạy ngòng nghoèo giữa các quả đồi trọc lốc.. Cứ miên man nhớ lại: Đồi cao cây củi lơ thơ, chỉ có các bụi sim, mua lẫn cỏ dại. Các thôn làng rải rác nằm thưa thớt ven các quả đồi. Mái tranh nghèo lúp xúp ven chân đồi, trong nhà có chõng nằm, tràng kỷ ngồi, chạn bát toàn làm bằng tre. Chỉ có hòm gian bằng gỗ to đùng, chễm chệ gian giữa nhà-dùng đựng thóc, quần áo vắt dây treo bên vách giứng.Gian thờ trưng nhiều bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh các Liệt sỹ. Cái cần vọt nước giếng treo miếng xích xe tăng (mùa khô nước cạn đáy-lính ta phải ra suối tắm giặt), đống rơm khô nuôi trâu, vạt sắn cây xiêu xiêu khẳng khiu gầy guộc, dăm cây chè trồng lấy lá nấu chè xanh, đói ăn độn khoai sắn ngô triền miên, chỉ vài nhà có đài bán dẫn 2,3 bóng-tiết kiệm pin để nghe SK truyền thanh tối thứ bẩy và Dân ca và chèo lúc 11h30 hàng ngày. Lũ trẻ chăm theo dõi gà đẻ lấy trứng ấp chả dám ăn, trường học đơn sơ xa ngái.Nhà trẻ lốc nhốc trẻ con ít đồ chơi-nhiều tiếng khóc-ngóng mẹ đi làm đồng trở về. Cả một vùng hồi đó trồng cây thuốc lá (thôn nào cũng xây lò sấy lá thuôc-cao vọt trên các bụi tre làng). Cánh đồng trồng thầu dầu+trẩu+sả lò sấy chưng cất tinh dầu thủ công đơn sơ một góc, có vùng trồng lúa một vụ, còn một vụ trồng mầu…trải dài yên tĩnh+ vắng lặng. Đêm về đèn dầu HS học bài le lói tĩnh mịch. Trai làng đi lính hết, thôn xóm chỉ toàn đàn bà trẻ con. Các ông lão phục viên về-áo lính sờn vai, râu ria lởm chởm chuyên bắn thuốc lào vặt,chai ba rượu uống dè sẻn dăm bữa, rất hào hứng kể về ngày ở lính. Các Bầm mặc áo con gái thải ra thủng 2 lỗ (hậu quả của phong trào áo con-cứng như mo nang-nhọn ngang tên lửa!). Vơ cỏ về lẳng cho lính mớ ốc vụn luộc khêu sỳ soạt. Chỉ có lính đóng quân làm thôn xóm rộn ràng.  Sớm ra, Lính ta tập võ tay không hét vang (cho trẻ con thức giấc chuẩn bị đi học) rồi đông đàn dài lũ lập đội ngũ khi đi tập tành. Chiều bình bịch bóng chuyền ở sân kho HTX (tiếng la hét còn hay hơn cả các đường chuyền, cú phát bóng). Sẩm tối sinh hoạt lính hát rống lên các bài hát truyền thống. Đêm gác sân kho-nhà ăn-C bộ, trăng khuya vằng vặc nỗi nhớ nhà, bắt gặp các đôi trai gái tự tình mọi nơi-nửa kín nửa hở... trăng càng sáng khi trời càng giá buốt. Hầu như chủ nhật nào, chi đoàn đều huy động lính tham gia vơ cỏ, gặt hái giúp gia đình chính sách (giải lao xúm xít bên rổ sắn khoai đang bốc hơi nghi ngút). Ấy là chưa kể từng tốp lính giúp đỡ gia chủ mình xay lúa giã gạo, lợp lại mái nhà sau mùa thu hoạch rạ rơm, nạo vét giếng, rào dậu hàng rào… nhà chủ giết con gà-lính mang cơm về ăn chung-vui chén rượu là chính. Hồi ấy trẻ chỉ biết thông cảm bà con và ái ngại nhiều thứ lắm. Cơm lính còn có gạo cõng độn ăn đều ba bữa, cơm dân nhìn vào nồi mà thương lắm, rau vặt quanh nhà, cá khô mắm tôm khô mua ở chợ, Thịt cá hầu như không-trừ ngày giỗ tết. Nhớ tiếng lơn kêu eng éch khi bị chọc tiết-chia thịt lợn đội những ngày áp tết Nguyên đán-Lính bâng khuâng nhớ nhà da diết..Buổi tối bà con tập trung tại nhà thư ký đội SX bình chấm công điểm: ý ới cãi vã nhau ỏm tỏi (khổ nỗi sau này được 2 lạng thóc cho 1ngày công LĐ quần quật). Quạnh hiu là nhà vợ lính được nhà chồng cho ra ở riêng, con cái nheo nhóc khóc ời ợi…Tình quân dân keo sơn, bộ đội mới về- mượn cuốc xẻng và đồ gia dụng, bố bầm chẳng hỏi anh tên gì? Đơn vị nào ? chỉ nhắc: dùng xong các anh giả về chỗ cũ ! (Chả như bây giờ đâu nhá). Có lẽ niềm vui của dân làng là ngóng xe ô tô chiếu phim bộ đội, xe trâu kéo của đội Chiếu bóng huyện về hàng tháng. Mãi đến 5/1975 dân làng mới được coi ti vi của Công trường XD Cầu độ. Nhiều cụ già ao ước một lần về Hà nội (cách có 55km) mà không thành.Vùng lính ta đóng quân xưa là các đồn điền khai khẩn thời Pháp ( kỷ niệm buồn:chi gái bố tôi đói ăn phải sắn độc mà chết trẻ) dân tá điền các tỉnh đồng bằng kéo tới+đợt nhà nước vận đông đi khai hoang ồ ạt thập kỷ 1960. Nghèo cả lượt nên giàu tình người ra lắm, nên đã thành truyền thống miền đất Trung du. Chả thế mà lớp sỹ quan BTL đã cho vợ con sơ tán ở nơi đây nhiều lắm. Lính háu đói nhà chủ hay nhắc ra vườn nhổ sắn luộc ăn (dân không ăn sắn thế mới kỳ). Chả hiểu tên lính nào độc địa bịa ra câu láo toét "Dân xin xà phòng". Chiến tranh chống mỹ, lính Vĩnh phú đi cũng nhiều và hy sinh cũng nhiều lắm.
 Cả vùng đất rộng lớn chỉ có doanh trại BTL, đơn vị pháo binh, kho lương thực là nhà gạch tường xây thuở QĐ tiến lên chính quy hiện đại (trước năm chiến tranh phá hoại của Mỹ 1965). Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương”. 43 năm qua, tôi luôn nhớ về vùng đất mình đã đóng quân, Nơi 202 chiến sỹ xe tăng VN đầu tiên đóng đại bản doanh, là "quê hương ban đầu" của Lính xe tăng một thở. Bao nhiêu người trong Binh chủng đã trưởng thành từ nơi này.
Những thằng CSV lính tăng nhà ta khi đi hành quân ,thồ gạo, gánh củi ngang qua ĐH kỹ thuật QS, nom thấy các HV ngồi ôn thi dưới bụi tre làng... Ứa nước mắt nhớ trường xưa, bạn học sinh viên cũ, biết đến bao giờ mới đực ra quân đây?. Thực lòng mà nói, lính CSV không thích đi học SQ trường 600 đâu, đa phần là trợ giáo lái xe+pháo thủ ở các D10 D11 D12 của E207 và một ít tại 600.
Nhớ tối Trung thu, thứ bảy 20/9/1975 năm lính tôi khoác ni lon đội mưa gió tới nhà dân ở Chùa Vàng giao lưu với thiếu nhi theo kế hoạch. Trước đó, bọn tôi hỳ hụi làm đèn kéo quân, mua bánh kẹo sắp sẵn. 20h15 Chi đoàn địa phương mới ra. Ấn tượng tới giờ là ánh mắt vui sướng của lũ trẻ, giơ tay đón nhận cái kẹo, miếng bánh ngọt lũ tôi trao, 2 nữ QN hát bài hát thiếu nhi, tên bí thư chi đoàn kể chuyện nói như hét át tiếng mưa gió. Nhớ bà góa Cam lâm đồn lầm bầm chửi ông lão làm giúp “phí rượu của bà”, uống quá say không làm nốt phận sự của thằng đàn ông. Nhớ đám cưới tên lính C13 ra quân làm rể thôn-nhà trai lên vài người,nghèo lính ta không được một chén rượu, nhưng được điếu thuốc lá nó mời. Bõ công vất vả đi mượn các nhà bàn ghế (đánh dấu vạch vôi dưới gầm). Nhớ bé Lai ba lần sét đánh không chết, da sạm đen khôn như chấy. Nhớ các đận bầu cử, ban tổ chức toàn lính làm, còn theo CB thôn bưng hòm phiếu tới các nhà già cả neo đơn. Bàn long cách một con suối ở Trường bắn, dân tộc Trại đất theo Công giáo mà đã thấy như ở một thế giới khác.Có lẽ đoạn suối chạy qua Trạm quân y E207 và Trường bắn Cam lâm là nơi có phong cảnh đẹp nên thơ nhất ?! Nhớ chủ nhật lang thang vào bản mua mít+chuối chín chén no căng bụng-thừa thì mang về. Nhớ nửa đêm tạnh mưa rào, cả quan và lính vác đèn pin soi bắt ếch nhái-bỏ thùng lương khô 701, 702 sáng sau xin nhà bếp ít mỡ lợn làm chả nhái+xin y tá cồn quân y về pha ít chanh đường làm riệu nhắm -khề khà như người nhớn. Thi thoảng cuốc bộ hơn 6km ra thị xã, chỉ để chụp ảnh đội mũ công tác và gửi thư về nhà cho nhanh, chén bát phở và que kem Mậu dịch…rồi lịch bịch trở về. Nhớ chiêu đãi sở E bộ 207 vắng hoe, thi thoảng vợ con lính lên, tối chúng tôi ra chơi một lúc (tưng bừng ngày đến-buồn khi chia tay). Ấy thế mà rầm rập người lên khi lính tráng chuẩn bị vào chiến trường. Vất vả phụ giúp các chị ấy làm bữa cơm liên hoan, nghe câu được câu mất nhời vợ lính kể về gia cảnh, kể về “Anh ấy nhà Chị…” Giờ mới hiểu, mới thấm thía cảnh vợ chồng Lính chia ly, Nỗi vất vả của những người vợ lính. Giờ mới ngấm từng câu thơ, bài hát về Chinh phụ ngâm, Hòn Vọng phu xa xưa. Thanh nữ và các nữ QN vùng đất Tổ (da trắng như trứng gà bóc,duyên dáng điệu đàng) đều chết như ngả rạ với lính Tàu bò “theo anh, ta thì về…”.Biết rất nhiều thiên tình sử giữa các lính Tàu bò với các thôn nữ (cả bi lẫn hài) từng cây rơm-chân bụi tre làng-sân kho HTX-sườn đồi nối giữa 2 thôn...đã chứng kiến bao đôi lứa hẹn hò...bao nhiêu cặp đã nên duyên chồng vợ, mà tôi chả dám viết ra. Nhớ đi Lưu quang đồn thồ gạo về đơn vị, tới Nông trường bộ xem kịch nói TƯ, phục vụ Trường bắn xem bắn đạn thật pháo tăng 100mm (tiếng nổ đanh đầu nòng, tiếng vọng ầm ỳ vang rên sâu trong núi thẳm, ban đêm thấy ánh chớp kiêu hùng), Chợ số tám mua đồ liên hoan và tích kê quần áo lính rách…Các địa danh mà ta đã rời xa, hiện về thân thương quá đỗi : Hán lữ, Khai quang, Minh quyết, Bàn long, Trường bắn Cam lâm, Lưu quang hà, Chùa vàng, chợ số 8, Trường 600, Hữu thủ, Chùa hà, Lan đình, Đồng bông, Đạo tú, Hợp minh, Làng Gô, Làng Me, Làng Quế, Đoàn kết, Minh quang, Đạo hoàng, Đồng oanh, Cầu độ, Gia du, Gia khánh, Hương ngọc, Trung mầu, Cam lâm, Rừng đình, Cam hồng, Lưu quang đồn. Con đường từ ga Hương canh chạy tới Chợ số 8: ngày nắng bụi lầm-ngày mưa đất đỏ như son bám dày dép cao su. Các quả đồi trọc sét giáng  liên tằng, nước chảyróc rách thành rãnh sâu hoăm hoăm, trơ ra đất gan gà trộn sỏi đá. Các bãi tập lái quanh vùng xe tăng bò lên dôc, tụt dốc xả khói đen kèm tiếng xích ken két, tiếng gầm rú, đất tơi vụn dưới bánh xích-gió thổi mịt mù trời đất, nhão nhoét sau mưa hằn vệt xích xe lổn nhổn...đến giờ vẫn không quên !. Những nơi này đã gắn bó ít nhiều kỷ niệm với lính tăng ta…Gần đến ngày 5/10/2016, tôi viết vài cảm tưởng này (Chắc nhiều quê đọc xong rồi chán-buông câu "Tưởng nó viết gì ?"), xin gửi các Quê lính tăng nhớ lại một thời ta đã khoác áo lính ở các miền quê nghèo khó này.Trên Blog và Facebook thời gian này dày đặc ảnh kỷ niệm xưa+ảnh hội ngộ măm rót tưng bừng của các tốp lính Tàu bò. Lính quèn như tôi chỉ biết gõ bàn phím vài dòng góp thêm... Năm tháng qua đi, chúng mình đã già cả lượt, xin hỏi có mấy CCB còn nhớ ?


3 nhận xét:

  1. Nhiều người quên hết rồi Hải ơi! Không phải vì họ muốn quên đâu mà vì thời gian và chẳng có ai nhắc lại rõ như bạn. Trong đầu bây giờ toàn những hình ảnh mới thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là thời gian làm ta quên quá khứ. Bạn hãy nhớ lại đi: khi chúng ta đi hội thường niên K6 ĐH Cơ điện hàng năm, thì có tên nào không nhắc tới thời sinh viên ăn khổ+sống khổ+học hành vất vả ? Nhớ ra phết đấy nhá. Sang đời lính, mấy lần lính quèn gặp nhau đều nở ngô rang chuyện cũ (tình lính tráng, tình quân dân, tình yêu nơi họ đã đóng quân...). Còn các SQ hay kể chuyện các đồng đội bằng vai lon úy tá, đó là chuyện của họ !Sắp đến kỷ niệm lần thứ 57 ngày thành lập Binh chủng, tự nhiên Tôi nhớ quá nơi mình đã đóng quân xưa. Đành viết vài dòng cảm xúc, ai thích thì nhòm-ai không thích thú thì thôi. Lính mà !

    Trả lờiXóa
  3. Vừa rồi ngày đi B của đơn vị mình, nó có tổ chức nhưng nghe kể hơi lồn xồn... !!!! Mình thì nhớ nhiều, còn họ quên nhiều lắm. Hôm tổ chức về thăm có thằng nào nhớ rõ một nhà dân nào đâu, trừ Dũng Trác tìm được 1 nhà đóng quân và cô bé chủ nhà ngày xưa nhìn hắn mà xuýt lao xuống ruộng!

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]