Chơi vơi tình yêu K6 phần 4
Trác Dũng
( Kính tặng Thầy cùng các bạn K6Ma)
1- Chuyện mà nhiều người cùng biết.
Bây giờ, nhắc lại những chuyện của thời sinh viên, tôi luôn nghĩ, nhiều người sẽ dành cho các thầy ở bộ môn Toán những kỷ niệm sâu sắc nhất.
Này nhé, bộ môn toán có số thầy cô đông nhất, hùng hậu nhất. Cả khóa học ở trường thì có đến 5 kỳ học toán rồi. Nên dù thời gian đã khá lâu rồi, chúng mình vẫn nhớ thầy Nhi-cô-lai Ng. hắc sì dầu, luôn là máy chém, nỗi e ngại mỗi khi thi, trả bài "vô phúc" bị thầy túm lên ngồi cạnh!!! thi lại là cái chắc. Cô Đỗ Căn bình dị tận tâm từng giờ giảng; thầy Phúc (nguyên là sinh viên K2) đẹp trai, nhà đâu cầu Gỗ Hà nội; thầy Thành quê Ứng Hòa điềm đạm, chiều nào cũng ra sân đá bóng cùng học sinh...Riêng tôi, ấn tượng sâu sắc nhất là thầy Huỳnh.
Thầy Huỳnh người Hà Tây thì phải, tôi đoán thế, vì giọng nói của thầy hơi bay bay. Thầy không phải là người chuyên dạy toán cho lớp A chúng tôi. Những ngày học kỳ đầu tiên đó không biết vì lí do gì, bộ môn hay thay đổi các thầy cô dạy toán cho lớp A. Thầy chỉ dạy lớp mình vài ba tuần.
Thầy Huỳnh trắng trẻo, cao ráo, trên khuôn mặt ưa nhìn lúc nào cũng ngự trị cặp kính cận, chắc do thầy học và đọc nhiều quá. Mái tóc thầy bồng bềnh, chải ngược ra sau, phô ra vầng trán cao, sáng láng. Thầy có dáng dấp và vẻ đẹp như bức họa nhà thơ Ê-xê-nhin của Nga.
Buổi sáng lên lớp đó, thầy dành ít phút kiểm tra việc làm bài tập toán ở nhà của chúng tôi. Thật bất ngờ, dường như cả lớp không ai làm bài tập! Từng người, từng người khi được hỏi đến đều đứng lên, bẽn lẽn, cúi đầu nhận lỗi chưa chuẩn bị bài tập. Không khí trong lớp căng thẳng, ai cũng chuẩn bị tâm thế chờ thầy hỏi đến mình, toàn bộ im phăng phắc. Thầy cho những người đứng lên đó ngồi xuống. Trong lúc cùng mọi người lục tục ngồi xuống, tôi chợt thấy thầy nhìn vượt qua bức vách trát đất rơm thấp bao quanh lớp, nhìn ra khoảng trời âm u ngày mùa đông. Sau cặp kính cận kia đôi mắt buồn làm sao. Chỉ một thoáng thôi, bất chợt thầy quay lại, hỏi:
- Trong các anh, các chị có ai ở Quảng Bình không?
Mọi người quay sang nhìn nhau, bởi mới vào lớp được ít thời gian nên dường như không ai nắm rõ điều này. Sau rồi, anh Thị lớp trưởng thưa với thầy:
- Thưa thầy lớp không có ai ạ.
Thầy đưa mắt nhìn bao quát lớp rồi nói:
- Vừa rồi chúng tôi được trường phân công đi tuyển sinh ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình.
Năm nay, bộ trưởng Tạ Quang Bửu ra đề toán khá khó so với giáo trình phổ thông. Thế nên rất nhiều bài thi toán bỏ giấy trắng. Bộ môn toán chúng tôi chấm bài mà chán nản vô cùng. Thương mình thì ít mà thương cho các em thì nhiều, bởi khu trong đó chiến tranh khốc liệt, thiếu ăn là chuyện thường xuyên, nên chất lượng như vậy là điều dễ hiểu... Nhưng bữa đó khi tôi chấm đến 1 bài thì em học sinh đó không làm được bài đã đành, nhưng em viết:
Thầy ơi, em không làm được bài rồi. Chắc chắn em không vào đại học được. Đúng là "cổng trường Đại học cao vời vợi" Thôi em từ tạ thầy, em "Trở về với ngày xưa/ Chăn trâu cắt cỏ với đi bừa " thầy nhé.
Tôi đọc những dòng chữ đó cho các thầy trong bộ môn cùng nghe, ai cũng buồn và mọi người bảo nhau, căn cứ vào số báo danh, hãy cố nhớ chút ít, những gì có thể về gương mặt của người học trò đó, nhưng tất cả là không thể! Chúng tôi chỉ có thể nói với nhau, các em học sinh thông minh thật, họ từ nông thôn đi ra họ hiểu và biết tránh những công việc lẻ đơn, rời rạc, thiếu tính cộng đồng. Người khu 4 chất nhân văn nhiều lắm.
Nói rồi thầy kêu hơi mệt cho cả lớp nghỉ buổi học toán đó.
Thầy đi rồi, chúng tôi ùa ra sân chơi. Một vài người ngâm nga câu thơ thầy vừa đọc. Bất chợt, anh Hoàng Anh Thơ (người Thanh Hóa), lớp phó sinh hoạt, một cựu thanh niên xung phong ở chiến trường về học, nói to lên: "Tụi bay còn vui vẻ nỗi gì, thầy mắng khéo đó, không chịu học thì chỉ có độn thổ xuống đất thôi!"
Sau lần đó thầy còn lên lớp dạy chúng tôi thêm 1, 2 tuần. Nhưng tuyệt nhiên, thầy không kiểm tra chuyện làm bài tập ở nhà. Có thể thầy nghĩ chúng tôi đã biết rút kinh nghiệm, có thể thầy cho là chúng tôi đã trưởng thành, không cần thiết phải kiểm tra nhiều như học sinh phổ thông....Còn chúng tôi, chả chuyển biến được bao nhiêu, có chăng, nể thầy, ngại thầy, không muốn thầy buồn thì chịu khó làm đối phó dăm ba bài, còn thì lại bỏ bẵng những bài tập của những môn khác!!!
Ôi chuyện những ngày đầu vào đại học nó "trẻ con" như lứa tuổi chúng tôi ngày ấy vậy. Nhưng câu chuyện của thầy không hề bị quên lãng, chúng tôi càng lớn, càng đi xa càng hiểu biết lại càng thấm thía câu chuyện thầy dạy.
2-Chuyện mà chỉ vài người biết
Chuyện của Thầy chúng tôi kể lại ở giữa rừng Trường sơn.
Chỉ sau buổi học "sự cố" đó một thời gian thôi, từng đợt từng đợt, lớp thanh niên chúng tôi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi không được biết các bạn đi trước chúng tôi nói với nhau những gì, bởi ngày trở về, "vắng" họ quá. Không thấy Đặng Văn Khanh, Đới Sĩ Liêu, Ngô Kim Tính, Đào Bá Long...những người đi đợt 1 và 2 trở về...
Còn chúng tôi, những người đi tháng 5/1972 đã có những đêm trăng bát ngát giữa rừng đại ngàn Trường Sơn nhớ đến bạn, nhớ đến Thầy.
Mặt trận nơi chúng tôi ở, có hàng binh đoàn, họ đến từ các miền quê. Nhưng đông nhất vẫn là người Hà Tây, họ khỏe mạnh, yêu đời, họ là sỹ quan chỉ huy, là chiến sỹ binh nhất binh nhì như chúng tôi, luôn xốc vác trong mọi công việc nặng nhọc hiểm nguy nhất... Nhưng hễ rỗi họ cũng luôn tự nhạo mình "Hà chuồn Vĩnh lủi, Thái bình bay/ Hà tây anh dũng trốn ban ngày"... và cũng nhiều chiều, họ nhớ nhà, nơi ấy thanh niên trai tráng ra tiền tuyến hết, họ ca vang bài ca "Chiếc gậy Trường Sơn" tự hào về làng Hòa Xá của mình. Lúc ấy Thầy ơi, chúng em nhớ Thầy, Thầy định gửi gắm cho chúng em điều gì ở buổi học ấy?
Rồi một lần trên đường giao liên, chúng em gặp một anh thương binh. Anh là lính Sư đoàn 2 anh hùng của người anh hùng Nguyễn Chơn. Anh bị thương cụt một cánh tay trái ở trận giải phóng Khâm Đức, Quảng Nam. Gặp chúng em giữa đường, và rồi biết tụi em là sinh viên đi bộ đội, anh bùi ngùi lắm. Chuyện thì nhiều nhưng chỉ biết là, những ngày sắp tới, ra Bắc, anh sẽ được đi học đại học, bởi 3 năm trước, hết phổ thông, học giỏi nhưng gia đình thuộc diện buôn bán nên không được đi học đại học. Chúng em mừng cho anh và cũng thầm xót xa cho mình, bởi có lúc đã sống hoài phí.
Rồi có lần, được đi phục vụ tiểu đoàn trưởng Nguyễn văn Ta, quê Quảng Ngãi. Ở chiến trường, khoảng cách lính và thủ trưởng dường như co lại. Nhiều bữa nằm kề bên nhau, nói đủ thứ chuyện, rồi lại vòng về chuyện của mỗi người.
Khi biết chúng tôi học ngành Cơ Điện, thủ trưởng nói: - Cố mà giữ gìn sức khỏe, giữ gìn nhân cách. Mình biết có được số lượng như các cậu không nhiều. Ông Tạ Quang Bửu ra đề năm đó khó, sau đó nghe râm ran, bị huyền chức vì không có quan điểm giai cấp trong khi ra đề, ra khó thế thì loại bỏ hết con em công nông à? - Mà thi cũng vầy vậy thôi, cậu có để ý mỗi tỉnh cũng chỉ có dăm ba người, loại có lý lịch đẹp cả đấy, chứ đổ đồng ra, dân đất học Nam Định, Thái Bình họ chiếm chỗ cả!....
Chuyện thật đó nha. Hỡi Nguyễn Tất Nhân, Trần Vũ Liệu, Đào Việt Dũng, Hồ Thanh, Phạm Văn Phê, Hồ Nam, Nguyễn Văn Tế... Những thằng bạn của tôi cùng đi đoàn 1040 có còn nhớ chuyện của chúng mình ở ngã ba Trà Niêu không?
Chúng mình kể chuyện đời, nhớ thầy Huỳnh. Thầy ơi, Thầy chỉ hơn tụi em vài tuổi mà Thầy từng trải quá, phải chăng cái "vài năm " đó đầy biến cố trên mảnh đất này!
3-Chuyện mà chỉ 1 người biết
Thường nhật ở công sở hay ở nhà, tôi hay ngâm nga câu thơ của Thầy. Hình tượng của Thầy, bài học của Thầy, được hoàn thiện cùng tháng năm của cuộc đời... là niềm vui, niềm an ủi cho tôi.
Ấy vậy, nhiều người nhìn tôi như nhìn "người ngoài hành tinh"... Hâm là cái chắc!
Bởi cơm ăn 3 bữa, quần áo mặc cả ngày rồi, nhà cửa, vợ con... đòi gì nữa.
Bất chợt tôi nhớ Bùi Quang Huy, K6Mb lang thang trên những cánh đồng lắp máy bơm nước cho bà con nông dân, với câu nói mà tôi ghi nhớ: - Nhà nước không nuôi mình thì về với bà con, bà con nuôi mình!
Vậy đấy! Chúng mình mong muốn sống như ước vọng trong trẻo, đầy nhiệt huyết như ngày 1/10/1970 năm xa xa đó thật khó làm sao?
Sểnh chút thôi là rơi vào bẫy lao động tiểu nông: Chăn trâu cắt cỏ với đi bừa rồi. Mình cũng vậy, mà cả xã hội cũng đang vậy.
Hình như ở Bộ GT có người sa bẫy đã ra đi, người kế nhiệm đang bứt phá...
Hãy đi tới và chờ đợi nhé.
Bài của TD rất bay bướm! hì..hì...
Trả lờiXóaNhưng không phải "Bởi cơm ăn 3 bữa, quần áo mặc cả ngày rồi, nhà cửa, vợ con... đòi gì nữa." Mà chính vì có đủ các thứ đó rồi (mà cũng không phải ai cũng đã có đủ đâu) bây giờ người ta mới cần đến blog, đến tự do, đến tinh thần nhân văn cao trong cuộc sống!
Tôi không học cùng các bạn . Nhưng tôi biết thầy Huỳnh . thầy dậy toán từ k5. Về sau Vợ thầy cũng về trường mình . Cô Boong dậy thuỷ lực.Bây giờ thầy cô ở Định công nhé
Trả lờiXóa@ĐVD thân mến.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã dành thời gian "đọc" tôi.
Tôi luôn mong muốn viết 1 chút gì đấy để nhớ lại mình và tri ân mọi người đã cùng tôi sống tốt những năm tháng tươi đẹp ấy.
Đọc mãi những người khác viét về người khác, tôi thầm nghĩ những tháng năm tôi sống cùng các bạn của tôi cũng tươi đẹp lắm chứ, thậm chí có đôi chút còn thú vị hơn . Vậy nó thôi thúc tôi viết thôi, tôi luôn canh cánh trong lòng,tôi mang nợ các bạn!
Bạn hình như đòi hỏi tôi nhiều hơn?
Thú thưc,là khó. Bởi lời nói có thể với ai đó là " khẩu bằng vô thiệt" Nhưng tôi không nghĩ vậy.
Tôi yêu các bạn, mỗi lần "về" tôi thấy mình trong sáng hơn. Mong là mãi được như thế.
@TD: Không những đọc hết mà còn đọc kỹ và sửa khá nhiều nữa đấy. Bây giờ mình sẽ đọc lại và sửa tiếp cho hết lỗi chính tả nhé! Duy có điều đọc kiểu mình cứ chăm chú vào ngữ pháp với chính tả nên chưa cảm được mấy đâu.
Trả lờiXóaVậy là sửa xong! Lấy giờ này trừ đi giờ trước là ra số phút để sửa thêm lần nữa. Trong lần sau này mình có đổi chỗ từ "lẽn bẽn" thành "bẽn lẽn" và một dấu chấm câu bị đổi thành dấu phảy cùng rât nhiều chữ viết hoa thành thường và ngược lại....
Trả lờiXóaVậy là 15 phút. Chúc ngủ ngon nhé Dũng Trác ơi!
Mình phục cái tài nhớ của Trác Dũng. Đây đã phải là "kỷ niệm sâu sắc" nhất chưa? Mong tiếp
Trả lờiXóatục phát huy nhé.
Anh Trác Dũng ơi, em nhớ là thầy Huỳnh dạy toán đeo kính cận là người Nghệ Tĩnh, chứ không không phải Hà Nội 2 đâu!
Trả lờiXóaThầy Huỳnh là người Hà Đông chú Luật sư ạ . Nguyễn Ngọc Huỳnh . Học k9 Xây dựng , hết năm đầu thì chuyển sang học cơ bản để giảng dậy cho các trường ĐH . Vợ thầy là cô Boong vè sau vài năm dậy thủy lực ở trường CĐ đấy .
Trả lờiXóaBan liên lạc K6 hôm tới có đến dự ở quán Gió thì hỏi kỹ địa chỉ thầy Huỳnh để tổ chức 1 chuyến viếng thăm thầy nhé! Phái đoàn sẽ do Trác Dũng dẫn đầu!
Trả lờiXóa@ luật sư K10 và @ lính cđ...thân mến
Trả lờiXóaCảm ơn hai bạn.
Thành thật lâu quá rồi , mình chỉ nhớ được như vậy thôi.
Mình luôn nghĩ Thầy là người Hà tây, vì (có thể) quê ngoại mình ở đó nên có tý chút thiên vị chăng?
Nhưng, nếu được hư cấu tý chút cho hợp tính chủ đạo bài viết thì mình cũng mong Thầy là người Hà tây, vì Hà tây đóng góp cho cuộc chiến vừa rồi nhiều lắm, đi chiến trường mới thấy được sự hy sinh to lớn, kể cả lúc "góc khuất" của con người- người lính trong những phút giây sinh tử, có người có chút hèn nhát, nhưng đó cũng chỉ là những ý thức mà ta hay nghĩ là phản xạ đương nhiên, cần có và luôn có ở mỗi con người... chỉ khác nhau ở cách biểu cảm, và nơi thể hiện mà thôi... tựu trung, họ còn mãi với thời gian...tạm gọi là bi kịch lạc quan vậy
Cho nên, Thầy sinh ra và trưởng thành ở những miền quê như vậy, thầy sẽ dạy chúng em như vậy.
cảm ơn thế hệ các Thầy, cho chúng em những hình tượng nhiều năm vẫn không phai mờ.
Chúng em biết ơn các Thầy Cô.
Bạn ơi," bao giờ lại đến ngày xưa" ?
Nhất trí với ý kiến bác Chít và bác Dũng, chủ nhật này sẽ hỏi rõ địa chỉ thầy Huỳnh, nếu các bác đi thăm thầy nhớ cho em "bám càng" đấy nhé!
Trả lờiXóa@Luật sư K10 thân mến.
Trả lờiXóaAnh Trọng Luân vừa điện thoại rủ anh chiều đến thăm các Thầy.
Vào blog gặp được LS, mình rất vui.
Chúng mình cùng đến nhé. Làm thế nào để nhận được LS nhỉ?
Thân ái. Mong gặp em chiêỳ nay nhé.
@K10 thân mến.
Trả lờiXóaChiều chủ nhật, mình và Trọng Luân (tư cách học trò cá nhân) cùng các các bạn ở Hội CCB, K6, k10...đến thăm các Thầy Cô ở CV Thống nhất
Cảm động và xúc động nhiều.
Rất tiếc thời gian quá ngắn,không tiếp kiến được nhiều Thầy Cô. Nhưng cũng may mắn gặp được Thầy Lê Ngọc Huỳnh -Dạy toán, Thầy Thái, chủ nhiệm K10Ma chúng mình, Thầy Mai Thanh Uông dạy công nghệ chế tạo( thầy vẫn điềm đạm, nhân từ và đặc biệt cái nhìn vẫn vậy, có chút "ngạo" của kẻ sỹ Bắc hà-mình rất ấn tượng với cách nhìn ấy), thầy Quang, phó chủ nhiệm khoa Cơ, hướng dẫn mình làm đồ án tốt nghiệp, Gặp cô Phước dạy sức bền nữa( Trọng Luân đem theo bài viết về cô giao Phước, đọc ở hội trường cảm động lắm)....
Mình cũng xin được mấy số điện thoại của các thầy mong là tự bố trí thời gian thăm sau.
Đăc biệt, mình cũng gặp được Thầy Vũ Hùng, anh trai Vũ Đức ,K7, bạn mình thờilính ở B. Nay Đức không còn nữa, mình muốn đến thâm gia đình vợ con và thắp nhang cho bạn...
Tất cả chỉ diễn ra thật nhanh vì phải dành thời gian cho các Thầy hội nghị...
Mình chưa kịp tìm gặp Luật sư K10...Chiều ấy bạn có đến không?
Bạn là ai vậy, có thể gặp nhau được không?
Tự đáy lòng mình cảm ơn LS k10, vì nhờ bạn mình vượt qua được nỗi ngại ngùng khi rất muốn đến quán gió chiều ấy..
Gặp nhau nhé, bạn chọn chỗ và thời gian đi. Thân ái
Thưa các bạn
Trả lờiXóaHôm rồi , may mắn cho tôi , Vợ chồng thầy Huỳnh cô Boong cùng đến hội nghị.Tôi hỏi thăm và được Thầy Thái dẫn ra chào thầy.
Nhớ điều còn chưa rõ về quê hương của Thầy- Thầy nói Thầy quê Huyện Thach Kim, Hà tĩnh.
Vậy tôi đã giải tỏa được tâm tư của mình.
Cáo lỗi cùng cả nhà nhé.( Bạn Luật sư đúng rồi, giỏi ghê hà!)
LỜI CẢM ƠN
Trả lờiXóaXin cảm ơn các anh ,các chị vì đã hơn 40 năm rồi mà vẫn nhớ và viết về tôi-một người sinh ra và lớn lên từ miền quê nghèo: Thạch Kim-"Thạch Nhọn", Lộc Hà, Hà Tĩnh. Giờ đây chúng mình đã và sẽ ở chunh một hội, đó là hội hưu nên có nhiều điều kiện gặp gỡ nhau và giao lưu.
Nhân đây xin được tặng các bạn mấy vần thơ mộc mạc của tôi:
TRẦM HƯƠNG
Em từ Bầu dó* rừng xanh,
Tinh hoa trời đất luyện thành trầm hương.
Cháy lòng khói toả vấn vương,
Thơm trầm giành quyện tình thương cho đời.
Hương bay tới đấng cao vời,
Cho trăng nhớ bạn, cho người nhả thơ.
LÊ NGỌC HUỲNH
*Dó bầu là cây trong điều kiện thiên nhiên đặc biệt ưu đãi nào đó thì tạo ra trầm hương.
TÂM TĨNH
Lành lặn gần bảy mươi cái tuổi
Cao qúy nhất nghề ba bảy măm
Nay thời thân thuộc như khóm chuối
Hòa giữa vườn quê dịu nắng vàng.
Tàu xanh bà tỉa đem gói cốm
Nải đẹp thành tâm đặt ban thờ
Hoa còn con hái vào làm nộm
Buồng chín thơm ngon thỏa cháu chờ.
Không thấp, chẳng cao thân chuối ngự
Tán chỉ khiêm nhường bóng tỏa che
Thanh thản tầm xa nhìn thế sự
Ngày ngày tâm tĩnh tựa thiền sư.
LÊ NGỌC HUỲNH
Vn.360plus.yahoo.com/huynhln1501
( huyanh-huyanh BLOG-yahoo!360plus)
ĐT 0912757263
Cảm ơn Thầy đã vào tặng blog K6 những vần thơ hay tuyệt! Em đã thêm ngôi nhà tinh thần của Thầy vào danh sách các blog Cơ Điện bên phải. Còn ngôi nhà vật chất của thầy nữa, hôm nào chúng em sẽ lại thăm. Chúc Thấy luôn vui khỏe!
Trả lờiXóaCác bạn nhấn chuột vào tên thầy ở đầu bài "còm" sẽ vào blog riêng của thầy. Trong đó có rất nhiều tác phẩm của thầy rất hay. Mời các bạn!
Trả lờiXóa