K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

2 tháng 1, 2015

CHUYỆN TÌNH HOA GIẤY

Hà Nhật Quỳnh

CHUYỆN TÌNH HOA GIẤY từ truyện đến thơ rồi âm nhạc

‘Chuyện tình hoa Giấy’ là câu chuyện về một người đồng đội của nhà văn CCB Nguyễn Trọng Luân, lặng lẽ khiêm nhường nhưng với anh thì day dứt mỗi khi ngày 30/4 trở về.
Tác giả đã viết truyện Hoa Giấy ( Hoa Củ Chi - Bóng đổ nhà mồ, NXB HNV 2014) rồi viết thành bài thơ Hoa Giấy. Và, mình đã phổ từ bài thơ thành ca khúc CHUYỆN TÌNH HOA GIẤY.
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân chia sẻ rằng: ‘nói đơn giản thế thôi, nhưng hành trình của HOA GIẤY đi vừa 39 năm 8 tháng. Tôi muốn treo lại truyện HOA GIẤY để những bạn bè, đồng đội luôn nghĩ rằng kí ức không bao giờ muộn, không bao giờ thừa. Nhớ về nhau, nghĩ về người đã khuất cũng là mong muốn cho đời sau đẹp hơn’.
------------

Hoa Giấy
Thú thật, trước khi vào Nam chiến đấu tôi chưa hề biết hoa giấy. Có thể quê tôi không có và những vùng miền Bắc khác tôi chưa biết chăng? Nhưng quả thật chỉ đến khi về đánh Củ Chi tôi mới nhìn thấy hoa giấy.
Ngày 19/4/1975 chúng tôi từ Chơn Thành hành quân rồi vượt sông Sài gòn lúc gần sáng. Đoạn chúng tôi qua sông sau này gọi là Bến Dược chứ lúc ấy chỉ biết theo đường vạch ra của trinh sát cấp trên mà thôi.
Tôi nhớ cầu phao công binh làm ghép bằng những thuyền quay ngang nước thủy triều rút nên phải lội một đoạn bùn mới lên cầu.
Qua sông, chúng tôi đi bộ trên con đường cũ phủ kín lá và cỏ hoang. Củ Chi hoang tàn, Củ Chi bình địa với xe pháo cháy thui, những gò đống lở loét hố bom, hố pháo. Dưới chân chúng tôi là gạch đá, là mảnh bom, vỏ đạn, dấu tích của mười mấy năm đất thép thành đồng này đánh Mỹ và trụ vững để hôm nay có bàn đạp cho đại quân tiến đánh trận cuối cùng.
Nơi trú quân rất chật hẹp, ven con lộ đất sỏi chạy qua bến Đình nằm sát mép sông Sài Gòn. Bộ đội không được đi lại, không được tắm lội trên sông. Mỗi người di chuyển đều có một cành lá tươi cầm theo che trên đầu. Máy bay địch lượn lờ và thỉnh thoảng một trận pháo đổ dồn từ phía Bình Dương, Đồng Dù ập tới.
Tôi vốn là lính bộ binh lên trinh sát nên mấy ngày nay nằm gần đại đội cũ của mình, tôi mò xuống C7. Lính mới bổ sung tháng 12/74 toàn quân Phú Thọ nên bọn tôi nằm trong cỏ mà thả hồn tán chuyện quê hương. C7 đóng ở một khu đất áng chừng trước đây là một xóm nhà dân trù phú. Vẫn còn những chân cột, góc chuồng lợn và cây trái ăn quả.
Cỏ lau, cỏ lác mọc tùm lum lên những nền nhà, những góc vườn chả biết chủ nhân của mảnh đất này giờ lưu lạc góc trời nào. Thằng Hoà người phố Cao Bang đặt khẩu B41 tựa lên thân cây rễ còng queo, lá xanh che vòm như cái tán ô.
Mà kì lạ phía bên trên chòm lá xanh là những cánh hoa đỏ chói, chen lẫn những cánh hoa trắng như cánh bướm. Những cánh bướm mỏng manh sau mỗi đận pháo nổ lại rung rinh lắc lư trên đầu. Gió Sông Sài gòn làm nó đung đưa, cái vòm hoa ấy xôn xao tiếng cười, tiếng hát của lính.
Tôi bảo Hoà ăn chơi quá nhỉ. Nằm trong vòm hoa rõ là đẹp, viết thư cho người yêu thế kia có mà quá là mày đi học nước ngoài đang kể về trời âu. Nó bảo ừ thật đấy, em xuýt nữa đi tây rồi. Trường Hùng Vương chúng em đi Tây đông lắm nhưng em lại nhận giấy báo đi bộ đội trước. Đợt chúng em nhập ngũ là 29/4/74 anh ạ. Nó bẽn lẽn … bạn gái em cũng đi học ở Liên xô. Em cũng mới nhận được thư cô ấy hôm ở Chơn Thành.
Tôi hỏi, thế mày viết thư cho người yêu chưa? Viết luôn đi chứ cứ gửi lên chỗ E bộ họ sẽ chuyển cho mình về phía sau. Có chứ anh! Có thể cô ấy sẽ nhận được thư em khi đã giải phóng Sài gòn ấy chứ. Nó cười , vòm hoa đỏ trên đầu rung rinh.
Rồi đột nhiên nó hỏi anh có biết tên hoa này là gì không? Tôi bảo chịu, chưa thấy bao giờ. Chúng nó - cả tiểu đội lao nhao chúng em cũng thế không biết hoa gì, cứ nghĩ anh Luân học cao hơn thì biết. Tôi gật gù ra vẻ suy nghĩ. Chả nhẽ là hoa bướm? vì cánh nó giống cánh bướm. Rồi dứt khoát tôi bảo thôi nhớ ra rồi đấy là hoa bướm.
Mấy thằng ngồi im có vẻ tâm phục. Thằng Hoà thì nói khẽ, em không tin nhưng đẹp quá anh ạ, nắng càng to màu nó càng sáng lên, rực rỡ hơn. Sau này hoà bình, em sẽ mang giống hoa này về Thị Xã Phú Thọ trồng và sẽ gọi là hoa Củ Chi. Cả lũ cười nhăn răng, hoa Củ Chi là hoa Chỉ Cu đấy mày ơi.
Thằng Hoà và tôi cười phớ lớ. Dưới kia sông Sài gòn xanh veo gió và trên đầu chúng tôi hoa vẫn rung rinh đỏ.
Sáng 29/4 nổ súng đánh trận cuối cùng. Trận đánh Ấp chợ Cầu Bông diễn ra từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Tình cờ khu ấp chợ Tân Phú Trung cũng miên man những rặng hoa giấy đỏ tươi và những hàng cây bằng lăng hoa tím.
Thằng Hoà hi sinh lúc 9 giờ sáng. Khẩu B41 của nó chỉ còn một quả đạn mang theo. Chúng tôi chỉ kịp nhìn nó, cái thằng to cao da nâu bóng và chiến đấu rất lì được bà con đang lau chùi khâm liệm rồi vội vã tiến vào Hóc Môn.
Trận địa Tân Phú Trung lùi lại đằng sau vẫn nôn nao màu đỏ của hoa giấy và man mác màu tím hoa bằng lăng.
***
Nhiều năm sau, trong một lần về dự gặp mặt 29/4 kỉ niệm ngày nhập ngũ cũng là ngày giỗ của hơn chục thằng anh em tiểu đoàn Phú Thọ. Sau cuộc liên hoan ở nhà văn hóa thị xã cả bọn rủ nhau đến thắp hương cho thằng Hòa Cao Bang.
Trưa hôm ấy có một người phụ nữ đi cùng cánh lính cũ chúng tôi. Ở nhà Hòa ra chị ấy mời chúng tôi. Nhà em cũng gần đây mời các anh tới thăm nhà em, em là người yêu của anh Hòa cũng là gần gũi với các anh cả thôi.
Thật là bất ngờ và vui. Chúng tôi đi đến nhà người đàn bà có dáng đẹp mặn mà lịch sự ấy. Tới nơi, tôi bỗng giật mình vì căn nhà đẹp thì ít mà bàng hoàng vì sắc rực rỡ hồng tươi của giàn hoa Giấy thì nhiều. Cả chiều dài mặt tiền ngôi nhà long lanh màu đỏ hắt nắng xuống đường loang lổ. Trong tôi vụt hiện lên sắc hoa Giấy Củ Chi với Hòa hôm nào. Trưa hôm ấy người đàn bà chậm rãi kể với chúng tôi.
Ngày 30/4/75 hầu như hàng ngàn sinh viên Việt nam không ngủ không học mà chỉ nhẩy múa hát hò. Các bạn SV nước ngoài cũng vui lây bởi chúng em. Các trường Đại học có SV Việt nam đều cho SV VN nghỉ học và liên hoan.
Trong niềm vui vô bờ bến ấy, em cứ hồi hộp và nhiều khi thảng thốt nghe như anh Hòa gọi. Em giở ngót chục lá thư trong một năm chúng em xa nhau cũng là một năm Hòa đi bộ đội. Em đọc mãi đến thuộc lòng những lá thư ấy để hi vọng Hòa trở về. Cho tới hai tháng sau nhận được lá thư đề ngày 25/4/1975 . Hòa đang ở bên sông Sài Gòn trên đất Củ Chi…
Người phụ nữ cúi xuống lau nước mắt. Các anh biết không? Trong lá thư kẹp một cánh hoa màu đỏ đã chuyển sang hồng. Em cũng không biết là hoa gì chỉ nghe Hòa nói thứ hoa này mọc rất nhiều ở Củ Chi và đỏ rực rỡ khi nắng lên, rằng đây là loài hoa có sức sống mãnh liệt mà Hòa rất thích.
Tin Hòa hi sinh đến sau vài tháng. Lúc ấy vào mùa đông. Nước Nga trắng tuyết và em cũng sang năm học thứ hai. Em nâng niu cánh hoa màu đỏ ấy trong tuyết lạnh xứ người, người yêu em mất vào ngày cuối cùng giải phóng, em mang bông hoa ấy trở về VN và quyết tâm đi tìm nó.
Thì đây các anh thấy đó, em đã vào Củ Chi nơi anh Hòa hi sinh và dễ dàng nhận ra loài hoa Giấy Hòa đã thích. Em mang cành hoa ở đó về trồng ở đây khi em có nhà riêng. Kì lạ là cây hoa mọc rất nhanh và tán vươn đan như cái vòm cong cánh buồm.
Đã ba mươi năm rồi tán hoa Giấy nhà em quanh năm rực rỡ cứ đến ngày giỗ anh Hòa hoa càng rực rỡ hơn. Cả phố này không ai biết hoa ấy mang từ miền nam về. Chỉ có hương hồn Hòa thì biết, em chắc là anh ấy biết.
******
Trở lại An Nhơn Tây nhiều lần và lần nào cũng vậy, tôi lại đến bên mộ thằng Hoà. Cái bia ghi: Phạm Văn Hoà – Quê quán: phố Cao Bang TX Phú thọ - Hi sinh 29/4/1975 hiền lành như bao tấm bia đồng đội khác. Đến bây giờ thằng Hoà vẫn chưa biết tên cái loài hoa mà nó thích. Nghĩa trang An Nhơn Tây rợp màu loài hoa ấy. Đỏ thật tươi, sống thật mãnh liệt, bốn mùa rung rinh, và hoa cứ nở cả bốn mùa.
NGUYỄN TRỌNG LUÂN
------------------------
Và… bài thơ Hoa Giấy
HOA GIẤY
Em đến Củ Chi đưa hài cốt anh về
Mấy mươi năm sau em mới gặp anh nơi sông Sài gòn nắng lóa
Anh của em thời học trò nón lá
Tiễn anh đi em thầm khóc ở sân trường
Mang lá thư em anh đi về phương nam
Em mang hình anh đến miền tuyết trắng
Ngày Giải phóng Sài gòn ôm nhau òa khóc
Ở xứ người em thao thức ngóng tin anh
Vẫn còn đây thư anh đến muộn màng
Anh bảo hành quân đánh đường mười bốn
Anh kể Sông Ba mùa này nước đục
Anh kể những con đường bầm đỏ cánh pơ lang
Người em yêu ngã xuống ở cửa ngõ Sài gòn
Nhật kí anh ghi yêu rung rinh hoa Giấy
Anh ước sẽ mang về giống hoa màu máu
Để tặng em ngày đất nước xum vầy
Em đến đây rồi lặng lẽ An nhơn Tây
Hoa vẫn đỏ trên mộ người chết trẻ
Sông Sài Gòn Củ Chi nắng lóa
Em nép vào lùm hoa giấy gọi anh ơi!
(Hà Nội 31/12/2014 - NGUYỄN TRỌNG LUÂN)

Năm nay, năm thứ 40 kể từ năm 1975 khi bạn anh hi sinh, đã có bài hát CHUYỆN TÌNH HOA GIẤY vào ngày cuối cùng của năm 2014.

1 nhận xét:

  1. Khi doc xong co cam giac than tho, xuc dong, tiec nuoi. Hay lam , anh Luan a.
    O xu tuyet dang do trang ngoai hien doc cang thay tham. Cau ket cua bai tho lam sang len ve hien diu cua nguoi thieu nu, thuong thuong la...

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]