K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

6 tháng 4, 2013

Hành trình Mùa Con Ong đi hút mật

Chế Trung Hiếu K10IA

Tóm Tắt hành trình Mùa Con Ong đi hút mật của Đoàn Pano Hải Phòng từ 9/3-18/3/2013

Ngày 1 (9/3)
Rời Hải Phòng lúc 4 giờ sáng, đoàn lên đường theo chương trình ”Tháng Ba Mùa con ong đi hút mật”. Xuyên bóng đêm để ăn sáng ở thành phố Hưng Yên, sau đó vượt cầu Yên Lệnh về Phù Lưu Chanh, nơi nhà thơ Quang Dũng viết Tây Tiến cách đây đúng 66 năm. Rẽ khỏi QL 21B về Tế Tiêu lên chợ Bến vào
đường Hồ Chí Minh băng băng với tốc độ đều 90km/giờ những địa danh quen thuộc đều vượt qua như: Rừng Quốc Gia Cúc Phương, Sông Mã Yêu thương, Cảm Thủy, Ngọc Lặc, Lam Kinh, Thường Xuân, Như Xuân…và dừng lại ăn cơm trưa tại Yên Cát, một thị trấn miền núi xa xôi cách thành phố Thanh Hóa chừng 70km về phía Tây. Nghỉ ngơi chừng một tiếng xe lại bon bon trên đường. Những thị trấn miền núi có những cái tên thân thương luôn vút qua đó là: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Phố Châu, Vũ Quang, Hương Khê, Cha Lo, Phúc Trạch để rồi đoàn đến được thị trấn Xuân Sơn (Phong Nha) lúc 6 giờ chiều sau khi đã vượt ngót ngét 600 km đường trường!

Ngày 2 (10/3):
Rời Phong Nha lên Đường Hồ Chí Minh Tây vượt 26 km đến thăm Động Thiên Đường, một hang động có chiều dài 37,5km được xếp vào hang động đẹp và kỳ vĩ nhất thế giới. Đúng là động Thiên Đường, khó mà tả hết được những tuyệt tác của Tạo hóa, động thật to lớn mà hùng vỹ, lung linh và huyền ảo, vào động chúng ta như lạc vào cõi tiên, tôi đã từng đi thăm các động nỗi tiếng của Trung Quốc như An Lư Cổ động, hay động được xem là xinh đẹp và tự hào nhất của người Hàn Quốc là động Kwang Won-do nhưng nếu so với động Thiên Đường thì chúng ta có thể nói: một trời, một vực!
Rời Động Thiên Đường đoàn phải quay lại Xuân Sơn để đổ đầy xăng, bởi vì theo tuyến đường Hồ Chí Minh Tây từ Phong Nha đi Khe Sanh dài gần 300 km không có một cây xăng nào! Sau khi vượt qua những đia danh lịch sử như Hang Tám Cô, Cầu Zình Zình, ngầm Xê-Măng-Hiêng, Làng Ho nơi mà những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến và để xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước đều phải qua con đường xa xôi và hiểm trở này chúng tôi đã vượt qua biết bao đèo núi, cầu ngầm thật hiểm trở để về Khe Sanh lịch sử lúc 7 giờ tối cùng ngày…

Ngày 3 (11/3)
Sáng 11/3 đến thăm Đường Số 9 - Khe Sanh, bỗng nhiên dư âm bài hát TIẾNG HÁT TRÊN ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG cứ ngân vang mãi trong lòng mọi người, bởi vì nơi đây đã ghi dấu bao chiến công hiển hách của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như trận thắng Khe Sanh, đồn Tà Cơn,
Làng Vây những trận thắng oanh liệt đó đã làm cho kẻ thù xâm lược bạt vía kinh hồn và tháo chạy chấm dứt những cuộc tàn sát đẫm máu nhân dân ta khi chúng vừa mới đặt chân đến đất này.
Chúng tôi đến thăm cửa khẩu Lao Bảo, thăm di tích Nhà tù Lao Bảo nơi bọn thực dân Pháp đã đày đọa những người yêu nước như: Hồ Bá Kiện, Liêu Thanh, Lê Thế Hiếu,Trần Hữu Dực, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…
Rời Khe Sanh chúng tôi về Dakrong nơi mà vì cảm xúc với người dân và những bước chân của đoàn quân chiến thắng với những chiên công vang dội vang dội trong Mùa Xuân Tổng tân công và nỗi dậy nên Nhạc sĩ Tố Hải đã viết bài ca nỗi tiếng: SÔNG DAKRONG MÙA XUÂN VỀ.
Rồi vượt qua những bản làng xinh đẹp của người Vân Kiều, người Pako được xây dựng vuông vắn dọc đường Hồ Chí Minh chúng tôi đã đến A Lưới, vượt qua Suối Máu, Dốc Mẹ ơi để lên đồi Thịt Băm – Hambur Hill- Núi ABiah- Cao điểm 937 Nơi mà vào mùa hè năm 1969 hai sư đoàn Anh hùng và thiện
Vượt Suối Máu
chiến của ta, 304 và 324 đã quần nhau với Sư 101 Không Vận Mỹ suốt 3 tháng trời và cuối cùng bọn Mỹ phải rút đi mang theo với chúng nỗi hãi hùng với những cái tên luôn ám ảnh quân xâm lược: Đồi thịt băm (Đồi Abiah), Dốc Mẹ Ơi, Suối Máu (Suối Ta Ranh)…
Đoàn đến thăm UBND xã Hồng Bắc nơi có chiến tích Đồi Abiah, tặng một chút quà nhỏ để hương khói cho những chiến sĩ, anh hùng đã ngã xuống trên đất này.
Đoàn tiếp tục vượt qua Thung lũng A So nơi mà “Xác giặc Mỹ ngổn ngang trên đường” để rồi do hoảng sợ cho nên từ địa danh A So bọn xâm lược đổi tên thành Thung Lũng A Sầu có nghĩa là khi đến đây kẻ thù chỉ chuốc lấy sầu muộn, hãi hùng…
Rời A Lưới-A Sầu đã là 6:30 chiều, trời miền núi đã bắt đầu tối, đoàn xe lại leo lên đèo A Roàng, vượt qua hai hầm A Roàng 1, A Roàng 2 để lên đỉnh đèo Roàng cao hơn 1200 mét trong đêm, sương mù dày đặc, bật đèn gầm cũng chỉ chiếu được khoảng 4 mét, có đoạn hai bên đường đều là vực sâu và ngoằn ngèo lên xuống đến dễ sợ, có đoạn lộ tiêu không có, lái xe đành phải lấy khe bê tông ở giữa đường làm đường dẫn mà bò với tốc độ 5km/g. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng vượt qua để đến cho được Thạnh Mỹ, thuộc huyện Nam Giang (Quảng Nam) tìm chỗ trọ để chuẩn bị cho hành trình ngày mai.

Tối, đoàn xe 3 chiếc Ford chạy lầm lũi không nghỉ trong rừng, vượt đèo cao, ngầm sâu để đến cho được Thạnh Mỹ, trong xe không ai nói năng gì, chỉ nghe tiếng thở và nhịp đập của trái tim, hai bên đường tối om, không một mái nhà, một ánh đèn, Bộ đàm liên lạc nội bộ được mở on-line để nhắc nhở nơi nào có vực, nơi nào có ngầm…Khoảnh khắc ấy làm chúng tôi nhớ lại “Những đoàn xe đưa hàng vào tuyến” trong những năm miền Bắc đã vì miền Nam đưa con em mình lên đường để xẻ Trường Sơn đi cứu nước, dù gian nan, hiểm nguy nhưng:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim ! (1)
Cuối cùng cũng đã vượt qua TT.Ch'ơm (Tây Giang) và Prao (Đông Giang) để về đến Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ở vùng thượng nguồn con sông Thu Bồn này trước kia có hai huyện: huyện Hiên và huyện Giàng, vì xa xôi cách trở và địa bàn rộng lớn nên năm 2003 Chính phủ đã tách huyện Hiên thành hai huyện Đông Giang (TT. Prao) và Tây Giang (TT.Ch'ơm) còn huyện Giàng đổi tên thành huyện Nam Giang có TT. Thạnh Mỹ để dễ quản lý theo địa lý và hành chính.
 
Ngày 4 (12/3)
Sáng vượt Thạnh Mỹ về Khâm Đức thuộc huyện Phước Sơn để về Ngọc Linh- Dak Glei trong lòng ai cũng cảm thấy phấn chấn là đến được cửa ngõ của Tây Nguyên rồi và cảm động sao khi thấy đường HCM đoạn Khâm Đức- Dak Glei được mở rộng trải Bê-tông At-phan phẳng lỳ ký ức sống lại những cảnh khổ cùng cực của những người tù cách mạng ngày xưa khi bị kẻ thù đày lên vùng xa xôi, rừng thiêng, nước độc:
Đường lên Dak Sút, Dak-Glei,
Hiu hiu gió lạnh sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm,
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây,
Đồn xa héo hắt cờ bay,
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng
Vượt đèo con đèo hiểm trở Lò Xo dài hơn 25km đến được Thị trấn Dak Glei rồi bám bên hữu ngan sông Pô-Kô để xuôi về Plei Cần-Ngọc Hồi mà LÒNG CHÚNG TÔI AI CŨNG TRÀO LÊN NỖI NHỚ NGƯỜI LÁI ĐÒ TRÊN SÔNG PÔ-KÔ: ANH ASANH

Dừng ăn trưa tại Plei Cần lúc 12 giờ, xong về cửa khâu Bờ Y, đường Tây Nguyên nắng và gió, ít người nên đi rất nhanh về thăm cột mốc Ngã Ba Biên Giới (Việt Nam-Lào và Campuchia). Nhờ sự giúp đỡ chân tình của anh Việt, trưởng Đồn Biên Phòng Bờ Y nên các thủ tục đến cột mốc rất dễ dàng và thuận lợi. Đứng trên cột mốc 3 mặt lòng chúng tôi vừa tự hào, vừa khâm phục rằng với sự hi sinh to lớn của đồng bào và chiến sĩ ngày nay chúng ta mới có một biên giới vững chắc và một Tổ Quốc rộng lớn mà an toàn. Nhìn xa xa về phía Attapeu (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) ta thấy ở đó chỉ có một màu khô cằn và sỏi đá còn nhìn về phía Việt nam lướt qua thung lũng Sa Thầy và Plei Cần, Dakto, chỉ thấy một màu xanh ngút mắt, những hồ nước dọc sông Poko đầy ăm ắp nước cho dù Tây Nguyên đang là mùa khô, ít mưa, làm cho lòng chúng tôi bỗng dưng xao xuyến và rõ ràng TÂY NGUYÊN CHÚNG TA LÀ MỘT BẢN TÌNH CA.
Phía trước là thành phố Kon Tum, chúng tôi phải về đó để trước khi trời tối để chụp cho được cảnh hòang hôn trên dòng sông Dak Bla. Dọc QL14 nơi chúng tôi đi qua có biết bao nhiêu chiến tích anh
Nhà thờ gỗ Kon Tum
hùng mà đồng bào và chiến sĩ ta đã hi sinh to lớn để dành lấy những chiến thắng lẫy lừng làm lay động thế giới như: Chiến thắng Plei Cần, trận tổng công kích cụm cứ điểm Dak To-Tân Cảnh của Mỹ 1967 và cũng chính nơi này năm 1972 quân ta đã đánh sập sư đoàn 22 của quân đội Sài Gòn tiến lên giải phóng toàn KonTum năm 1974
Kon Tum là một thành phố xinh đẹp nằm ở Bắc Tây Nguyên có dòng sông Dak Bla thơ mộng chảy qua, càng tôn lên vẻ đẹp hiền hòa của thành phố trẻ, chúng tôi đến thăm và dâng hương tưởng niệm những anh hùng chiến sĩ đã hi sinh trong Nhà ngục Kon-Tum, thăm nhà thờ gỗ, thăm bảo tàng Thành phố và chạy một vòng quanh Thành phố để lắng nghe dư âm sôi động của một thành phố đang chuyển mình
Thời kháng chiến chống pháp Kon Tum được sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Kon, rồi khi sau giải phóng cấp trên có ý định sáp nhập với Plei Ku và Dak Lak một lần nữa với tên gọi KON-KU-LAK nhưng ý định đó không thành vì với một diện tích quá lớn như vậy khó bề quản lý và phát triển xây dựng vì ở các tỉnh này có rất nhiều dân tộc chung sống như: Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Jẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, H’mong, Thái, Mường, H’re, Cà Tu, Ê đê, Mơ-Nông….mỗi dân tộc có bản sắc rất riêng, việc sáp nhập như vậy không có lợi…
Chiều đoàn về đến Pleiku, một trung tâm của café và cao su giàu có bậc nhất của Tây Nguyên, chỗ nào cũng đông vui tấp nập, một thành phố trẻ, một thành phố đang bừng sáng trong xây dựng, chúng tôi được Thái Bảo Ngọc (Lãng Tử Gia Lai) và Anh Tịnh chủ tịch hội Văn Hóa Nghệ thuật thành phố Plei Ku tiếp đón và chiêu đãi món Gà Nướng Tây Nguyên cùng với rượu cần Dak Lak, đặc biệt là chúng tôi cùng với những thiếu nữ Ê-Đê trong những chiếc Xà rông ngắn và những chiếc yếm thổ cẩm xinh đẹp và say đắm cầm tay nhau múa hát những điệu dân ca đặc sắc bên đống lửa trại bập bùng tưởng chừng không bao giờ tắt và càng rộn ràng lên khi dàn cồng chiên hòa quyện một cách rộn ràng nhưng đậm chât trữ tình. Ngọc Viên, Bảo Ngọc cũng đón chúng tôi ở đó, tất cả đêm ấy như là một đêm hội Tây Nguyên và đúng là ĐÊM ẤY TÔI ĐÃ TỪNG DÁM NHÌN VÀO ĐÔI MẮT EM

Ngày 5 (13/3)
Vài nét về Tây Nguyên:
Tây Nguyên, thời VNCH gọi là Cao Nguyên Trung Phần, bao gồm 5 tỉnh Lâm Đồng, Dak Lak, Gia Lai (Trước đây là tỉnh Plei Ku), Kon Tum và Dak Nong. Tây nguyên là vùng địa chiến lược quan trọng, không biết từ bao giờ mà ở Việt Nam đã có câu thành ngữ rất nỗi tiếng: Tây Nguyên ai để mất người ấy thua, lòng dân ai nắm được người ấy thắng” vì thế từ khi xâm lược Việt Nam, người Pháp sau khi chiếm được Đà Nẵng họ đã phải vội vàng lên chiếm lấy Tây Nguyên.
Sau khi người Pháp nắm được quyền kiểm soát Việt Nam, họ đã thực hiện hàng loạt các cuộc thám hiểm và chinh phục vùng đất Tây Nguyên. Trước đó, các nhà truyền giáo đã đi tiên phong lên vùng đất còn hoang sơ và chất phác này.
Năm 1888, một người Pháp gốc đảo Corse tên là Mayréna sang Đông Dương, chọn Dakto làm vùng đất cát cứ và lần lượt chinh phục được các bộ lạc thiểu số. Ông thành lập Vương quốc Sedang có Quốc kỳ, phát hành giấy bạc, có cấp chức riêng và tự mình lập làm vua xưng là Marie đệ nhất. Nhận thấy được vị trí quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, nhân cơ hội Mayréna về châu Âu vận động xin viện trợ từ các cường quốc Tây phương, chính phủ Pháp đã đưa công sứ Quy Nhơn lên tiếp thu. Mayréna trên đường trở lại Đông Dương khi quá cảnh Tân Gia Ba thì bị nhà chức trách giữ lại. Chính phủ Pháp cũng ra lệnh cấm Mayréna nhập cảnh. Mayréna mất không lâu sau đó ở Mã Lai. Vùng Tây Nguyên kể từ năm 1889 được đặt dưới quyền quản lý của Công sứ Quy Nhơn và vương quốc Sedang cũng bị giải tán.
Năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin mở cuộc thám hiểm và phát hiện ra cao nguyên Lang Biang. Ông đã đề nghị với chính phủ thuộc địa xây dựng một thành phố nghỉ mát tại đây. Nhân dịp này, người Pháp bắt đầu chú ý khai thác kinh tế đối với vùng đất này. Tuy nhiên, về danh nghĩa, vùng đất Tây Nguyên vẫn thuộc quyền kiểm soát của triều đình Huế. Vì vậy, ngày 16 tháng 10 năm 1896, khâm sứ Trung Kỳ là Léon Jules Pol Boulloche đề nghị Cơ mật viện triều Nguyễn giao cho Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại các cao nguyên Trung Kỳ. Năm 1898, khi vương quốc Sedang bị giải tán thì ngay năm sau, tức 1899, thực dân Pháp buộc vua Đồng Khánh ban dụ trao cho họ Tây Nguyên để họ có toàn quyền tổ chức hành chính và trực tiếp cai trị các dân tộc thiểu số …
Biển Hồ - Pleiku
Đối với Cách Mạng, từ ngày thành lập nước 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt:
Sự kiện lịch sử đầu tiên ghi nhận mối quan tâm và tình cảm của Bác đối với Tây Nguyên là bức thư của Người gửi Hội nghị Các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19/4/1946. Người Tây Nguyên mãi mãi không quên lời dạy của Bác: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau…. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Lời dạy của Người như truyền thêm sức mạnh cho đồng bào vững niềm tin vào Đảng, đoàn kết đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, giữ lấy núi rừng Tây Nguyên thân yêu. Những tấm gương hy sinh anh dũng của những chiến si Tây Nguyên mà ngàn đời sau không bao giờ phai nhạt như Anh Hùng Núp, Nơ Trang Long, Kơ Pa Kalơn
Do đó đồng bào Tây Nguyên luôn nhớ ơn Người và tại ngay Thành phố Plei Ku xinh đẹp khu Tưởng niệm “Bác Hồ với các Dân tộc Tây Nguyên” vừa được khánh thành và là dịp may mắn cho đoàn đã được đến thăm và chụp ảnh.
Chia tay nhóm Lãng Tử Gia Lai chúng tôi ghé thăm “Đôi Mắt Plei Ku-Biển Hồ thơ mộng” dưới ánh nắng mai Biển Hồ đẹp lộng lẫy như một cô gái Tây Nguyên, thông reo vi vu, sóng vỗ dạt dào, có ai ngờ giữa đời thường lại bất chợt được lạc vào “Bồng Lai Tiên Cảnh”, tôi phải giục mãi anh em trong đoàn mới rời được Biển Hồ để vào Cưm-Mgar cho kịp, đừng để Mai Hạnh đang nóng lòng chờ đợi
Đoàn lại phóng như bay, để lại phía sau những kỷ niệm, những rừng cao su bạt ngàn, những vườn café đang mùa ra hoa trắng xóa….Tây Nguyên mùa khô, gió lộng, rừng khộp xạt xào rụng lá cảnh vật ấy, con người ấy làm sống lại trong chúng tôi bài ca LÁ ĐỎ CỦA HOÀNG HIỆP MỘT THỜI LÀM CHÚNG TÔI KHÔNG NGẠI NGẦN BĂNG BẰNG RA TRẬN
Đến Buôn Hồ rẽ phải để về Cư-Mgar, thành phố của Cà-fê, của Cao su, của Núi Lửa nhưng trước hết là
chúng tôi về với Mai Hạnh, một Pano Dak Lak mà chúng tôi đã hẹn hò, hai bên đường vào nhà Mai Hạnh bạt ngàn là rừng cây cà phê, cao su và cây điều. Chúng tôi biết rằng, không dễ dàng gì mà người dân ở đây lại có những vườn cây xum xuê như thế, họ đã từng vượt qua bao nhiêu vất vả, thiếu thốn đổi bằng mồ hôi và nước mắt mới có được thành quả ấy.
Đến Quảng Phú đã có cháu Ngọc Lam con trai của Mai Hạnh đón ở đó. Chúng tôi đến ngõ nhà, Mai Hạnh ào ra hai bên rưng rưng và ôm chầm nhau mừng vui như những người thân lâu ngày được gặp lại. Mọi người tíu tít hàn huyên, ba má Mai Hạnh cũng đang ở đó, ông bà cụ cũng cười vui giang tay đón đàn con ở xa mới về, cùng nhau ngồi bên mâm cơm ngon lành do bàn tay khéo léo của Mai Hạnh và Thu Cúc chuẩn bị…mọi người không phải chỉ thưởng thức những món ngon mà Mai Hạnh và gia đình tiếp đãi mà từ sâu thẳm trong từng trái tim họ đang thổn thức và thưởng thức cái vị ngọt ngào của tình người, cái hương vị của lòng quý khách… Chúng tôi đắm say trong cái tình cảm ấy, cái mặn mà của Mai Hạnh và của gia đình. Chúng tôi hiểu những nỗi gian nan, vất vả của Mai Hạnh cô đang phải vượt qua để nuôi cho Ngọc Lam và Ngọc Ly ăn học và chính hai cháu cũng đã mang lại cho Mai Hạnh và gia đình niềm hạnh phúc lớn lao: Lam, Ly là hai học sinh giỏi nhất của trường trung học và tiểu học Cưm-Mgar
Có ai ghen với tôi không? Tôi đồng hương với Mai Hạnh đấy, bố của hai cháu Ngọc Lam, Ngọc Ly là người Bình Sơn Quảng Ngãi, giữa bác cháu chúng tôi như đã từng gặp nhau và từng sống bên nhau vậy. Thân tình như ruột thịt, Pano Hải Phòng coi Mai Hạnh và gia đình cũng thân tình như vậy, ai cũng mời và muốn Mai Hạnh và các cháu mùa hè này đến Hải Phòng chơi để các cháu có dịp nô đùa với sóng gió ở miền biển Hải Phòng.
Thời gian còn lại của ngày thứ 5 còn quá ít nên không kịp uống Café ở nhà Thu Cúc, đoàn phải phải lưu luyến nói lời tạm biệt Mai Hạnh và Thu Cúc, tạm biệt Cưm-Mgar xinh đẹp và thân thương để về Bản Đôn theo lịch trình dự định.
Đường từ Cưm-Mgar đến Bản Đôn được Mai Hạnh hướng dẫn từ xa qua điện thoại như sau: "Đi qua rừng cao su, rẽ phải gặp cầu nhỏ, qua cầu rẻ trái, đến ngã ba rẽ phải gặp cầu lớn đi thẳng rồi rẻ phải, xong rẽ trái, thấy ngã ba thì đi thẳng, rồi đi ngang...thế mà cuối cùng chúng tôi cũng vẫn đến Bản Đôn theo cách chỉ dẫn tài tình của Mai Hạnh!"
Đến Bản Đôn đoàn thăm Nhà sàn cổ và lăng cụ A Ma Kông, thăm Me Lĩnh là người con gái cả của cụ A Ma Kông năm nay đã hơn 90 tuổi rồi mà còn minh mẫn cung cấp thuốc gia truyền cho khách hàng không hề nhầm lẫn. Mấy người còn cưỡi voi đi thăm bản nữa, chúng tôi đi thăm cả hai bản Đôn A và bản Đôn B, đi cầu treo qua sông Serepok và đùa vui trên bờ sông dưới tán đa cổ thụ thật là thú vị. Không ai quên mua một thứ gì đó để làm kỷ niệm của chuyến đi và nhanh chóng rời bản để xuôi về Ban Ma Thuột cho Trọng Luân kịp chuyến bay về Hải Phòng lúc 7 giờ tối vì ngoài kia có một công việc khẩn đang đợi mà nếu không có Trọng Luân thì dự án coi như đổ bể cho nên không còn cách nào khác Trọng Luân và về sớm hơn dự định 4 ngày…

Ngày 6 (14/3)
Đêm Ban Mê mưa nhẹ, gió Cao nguyên thổi mạnh làm cây cối xào xạc, dù đi đường xa nhưng hầu như anh em vẫn không thể nào ngủ được, đang ở Ban Mê mà lại nhớ Ban Mê, nhớ sông Serepok, nhớ CưMgar, nhớ rừng cao su đang mùa trút lá rồi lại nghĩ đến ngày mai, ngày...MAI ANH ĐI THEO CÂU HÁT VỚI NỖI BUỒN DÂNG XA GẦN
Ly cà phê buổi tối ở cổng Sân Bay Ban Mê khi tiễn Trọng Luân về Bắc không làm cho chúng tôi thức mà thức vì ngày mai lại chia tay Ban Mê, nơi ấy thật gần gũi dù là mông lung nhưng đầy ấn tượng, một vùng cao nguyên đầy ắp tình thương, chúng tôi lại trách mình cớ sao lại là Người Lữ Khách…nhanh đến rồi lại chợt rời xa…
Buổi sáng Ban Mê thật yên ả và mát mẻ, mãi đến 7 giờ mới có nhiều người đi lại, chúng tôi điểm tâm trước một quán nhỏ gần Thánh thất Trung Hòa đường Phan Chu Trinh rồi sau đó lên đường về Dak Nông, trên đường ghé thăm khu thác nước Dray Nur ở huyện Krong Ana nơi con sông Serepok chảy qua khu vực đứt gãy tạo nên những thác nước tuyệt đẹp Như thác Dray Nur, thác Trinh Nữ, thác Gia Long…
Thác Dray Nur
Mọi người vui sướng nhìn thác nước xối từ trên cao xuống đẹp tuyệt trần, có vẻ người sung sướng nhất là Kiều Thủy, cô ta chạy lăng xăng với chiếc CaNon D7 tìm góc chụp ưng ý để có những bức ảnh đẹp rồi giới thiệu với bạn bè về thiên nhiên Tây Nguyên yêu dấu!
Chúng tôi vượt qua Krong No, Dak Min, Dak Song để về TX Gia Nghĩa mà lúc nào trong tai chúng tôi cũng vang lên bài ca VỀ DAK NÔNG CÙNG ANH
Sau khi ăn trưa chúng tôi lại về thăm nhà máy sản xuất Alumine Nhân Cơ, Nhà máy vẫn đang xây dựng, sạch sẽ gọn gàng không bừa bãi và lộn xộn như những lời đồn đại… đến Kiến Đức mới sực tỉnh là chúng ta đã sắp đến Miền Đông Nam Bộ, cách Đồng Xoài chỉ hơn 70km! Những kỷ niệm thời chiến dọc đường 14 lại ùa về, đối với quân xâm lược đường 14 đoạn này là những nỗi kinh hoàng mà chúng phái gánh chịu suốt cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa trước sấm sét của nhân dân và Cách Mạng: “Chốt đường mười bốn, khốn đốn trăm bề, bỏ ngũ mà về kẻo chết mất xác!” là những câu vè địch vận mà không ai ở vùng này là không biết!
dấu ấn của Pano HP trên Tây Nguyên
Rời Nhân cơ chúng tôi quay về thăm hồ Thủy điện Dak Rờ Ti một công trình thủy điện đầu dòng Đồng Nai đã đi vào phát điện ngày 16.12. 2012 Nhà máy có tổng công suất 144 MW, sản lượng điện dự kiến hơn 600 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư gần 4.400 tỉ đồng. Đây là nhà máy thủy điện được xây dựng về trước kế hoạch và hoàn toàn do Việt nam thiết kế, xây dựng và lắp đặt, sau khi cắt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc vì lý do chậm trễ trong tiến độ thi công.
Xe lại bon bon trở về Ban Mê trước khi trời tối kết thúc ngày thứ sáu hành trình dài hợn 400km!

Ngày 7 (15/3)
Ban Mê - Cư Mgar - Ea Drăng - A Yunpa – Kong Chro - An Khê - Quy Nhơn:
Sáng sớm rời Ban Mê trong tiết trời Tây Nguyên yên ả hơi se lạnh, theo lịch trình là về Buôn Hồ bởi hôm đi đến Mai Hạnh thì rẽ ở ngã ba chợ Ea Dê để về Quảng Phú, chỗ này còn cách Buôn Hồ 3 km, cách Ban Mê 40km. Như vậy đoạn Buôn Hồ - Ban Mê trên QL 14 đoàn chưa được trải nghiệm…Nhưng lạ thay xe chạy một hồi đã thấy Thị trấn Quảng Phú – Cư Mgar, không tin ở mắt mình nữa và mình trấn tĩnh lại thì tiếp tục thấy câu khẩu hiệu “Nhân dân các Dân tộc Cư Mgar quyết tâm…”Và lúc đó mới biết là ý định quay lại để được nhìn lại Cư Mgar thân thương là của Trung Đức, thôi được, không trải nghiệm Buôn Hồ thì được trở lại Cư Mgar thế mới biết
“Dễ gì nói được chia tay,
Lòng ai tràn ngập những ngày yêu thương”
Về đến Ea Drăng đoàn quyết định đi theo TL 668: Ea Drăng- A Yunpa – Kong Chro- An Khê. Và so với tuyến Ban Mê – PleiKu - Quy Nhơn, tuyến này sẽ gần hơn 80km.
Bảo tàng Quang Trung
Đến Ea Drang bỗng nhiên tôi nhớ đến Đơn Dương, người nghệ sĩ tài năng quê Hải Phòng, anh tham gia đóng vai Thiếu Tá Quân Đội Giải Phóng Nguyễn Hữu An trong bộ phim “We Were Soldiers” (Chúng tôi là người lính) của đạo diễn Randall Wallace với diễn viên gạo cội hàng đầu của Hollywood là Mel Gibson trong vai Trung tá H. Moore. Phim kể về một trận chiến đấu dữ dội và đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam xảy ra tại Ea Drăng này vào cuối năm 1965. Khác xa với hồi ký chiến tranh của Thiếu tướng Moore, theo ông kể trận Ea Drang này quân Giải phóng thắng lớn vì họ chiến đấu dũng cảm và đối xử với tù binh Mỹ rất là nhân đạo, ông ca ngợi Thiếu tá Nguyễn Hữu An người chỉ huy trận đánh phía VC là một con người dũng cảm đầy mưu lược và ý chí quyết thắng. Không phải Moore yêu thương gì Quân Giải Phòng mà ông ta muốn nêu lên cái chân thực của cuộc chiến Việt Nam và nhắn gửi đến những người Mỹ hiện nay nên có cái nhìn khác về người Việt Nam.
Ngược lại Thiếu Tá Nguyễn Hữu An (Nhân vật có thật hiện đang còn sống) dưới vai của Đơn Dương là một tên chỉ huy ngu xuẩn, khát máu, côn đồ và hung hãn liên tục tung quân đội vào chỗ chết trước hỏa lực mạnh và hiện đại của quân đội Hoa Kỳ để nướng hết quân của mình. Đã thế An còn cho lính mình đâm chết hết những tù binh Mỹ và thương binh Mỹ còn sống, rồi chất xác họ lại làm làm lá chắn, cuối cùng rồi quân VC cũng thua chạy một cách nhục nhã, quân Mỹ ca khúc khải hoàn trên trận địa!!!
Sau khi bộ phim được trình chiếu đích thân Tổng thống Bush ca ngợi Mel Gibson và viết thư mời Nghệ Sĩ Đơn Dương sang Hoa Kỳ để sinh sống và tiếp tục làm phim. Dư luận Mỹ rất phê phán vì bộ phim được dựng rất xa lạ với Hồi Ký của Thiếu tướng Moore. Tất nhiên Đơn Dương đã được phía VN nhắc nhở và dư luận phê phán nhiều về việc này…và cái gì đến đã đến như chúng ta biết về số phận của Đơn Dương, người nghệ sĩ quê Hải Phong tài hoa bạc mệnh này của anh đã kết thức như thế nào…
Suy nghĩ mong lung đã về tới thị xã A Yunpa, Yunpa chính là Cheo Reo của tỉnh Phú Bổn cũ, nằm giữa ngã ba sông Ayun (Sông Bờ) và sông Ba (Ea Pa) tạo thành một bình nguyên rộng lớn đất đai phì nhiêu có những cánh đồng lúa hai vụ bạt ngàn, năng suất cao không thua kém các cánh đồng cao sản ở miền Tây Nam bộ.
trên bờ biển Quy Nhơn
A Yunpa (Cheo Reo) cũng là nơi ghi dấu chiến công hào hùng trong cuộc chặn đánh và tiêu diệt hoàn toàn Quân Đoàn 2 ngụy khi chúng tháo chạy từ Kon tum và Pleiku theo QL 7 (nay là QL25) về co cụm ở Củng Sơn và Tuy Hòa khi bị mất Ban Mê Thuột trong ba ngày 17,18,19/3/1975 tiêu diệt 4.000 tên và bắt sống hơn 3.000 tên giải phòng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn và tỉnh PleiKu.
Nghỉ ăn trưa ở A Yunpa rồi theo Tỉnh lộ 622 qua huyện lỵ Kông Chro cứ dọc theo Sông Ia Ba để về An Khê, rồi xuôi QL19 vượt đèo An Khê đến Phú Phong thăm bảo tàng Tây Sơn, thăm ngôi vườn nơi đã sinh ra Tam Kiệt - những người Nông Dân Áo Vải Cờ Đào đã làm cho quân thù phương Bắc và quân Xiêm La ngàn năm khiếp sợ! Về đến Quy Nhơn đoàn ghé thăm mộ nhà thơ cô đơn Hàn Mặc Tử đang được đặt ở Gành Ráng. Nhớ Xuân Diệu nhà thơ đã từng tá túc ở đây và nhớ Chế Lan Viên không biết cách đây gần 80 năm, ở góc nào của Quy Nhơn chàng trai tài hoa ấy đã viết nên Điêu Tàn đã làm cho bao thế hệ phải sững sờ cùng anh khóc thương, nhớ tiếc giống dân Hời… Rồi tranh thủ chụp ảnh bãi biển Quy Nhơn và kết thúc ngày thứ 7 ở thành phố biển đầy sóng gió và thơ mộng này

Ngày 8 (16/3)
Chặng Quy Nhơn – Quảng Ngãi - Tam Kỳ
Rời thành “Đồ Bàn” để về Quảng Ngãi trong tâm trạng thấy thiếu thiếu cái gì đó, đúng vậy Quy Nhơn Thành đã có quá nhiều biến cố lịch sử mà đoàn chưa khám phá hết. Hồi còn nhỏ khi học lịch sử tôi vẫn cảm phục cái chết trung liệt của Hoài Quốc Công Võ Tánh bằng cách tự thiêu tại Thành Quy Nhơn khi Quân Tây Sơn Trần Quang Diệu bao vây tiến công hạ thành. Tôi vốn không ưa gì Vua Gia Long mang hổ danh “Cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng thấy Võ Tánh chết vì trung thành với Nguyễn Ánh tôi rất cảm phục ông và muốn lấy đó là tấm gương cho cuộc đời mình, và nhất là sau này lớn lên được biết người con trai duy nhất của Võ Tánh với Công chúa Ngọc Du (em gái Nguyễn Ánh) là Võ Đông Sơ, người đã dũng cảm hy sinh khi bảo vệ hải đảo của Việt Nam khỏi sự xâm lược của nước ngoài. Bạch Thu Hà là người con gái Tây Thành (Thành Tây Sơn) đã đem lòng yêu Võ Đông Sơ khi nàng được chàng cứu khi xe của nàng bị bọn thảo khấu cướp hiếp dọc đường. Mối tình “Hảo hán cứu mỹ nhân này là cảm hứng của biết bao nhà văn, nhà thơ sau này. Đặc biệt, nếu là người miền Nam ai ai cũng thuộc đoạn vọng cổ lâm ly kể về mối tình ly biệt của đôi anh hùng, giai nhân ấy như thế này:
“Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi“
”Đường dài mịt mùng em không đến nơi“
”Mây nước buồn cơn lửa binh“
”Hết kể chuyện chung tình”
”Than riêng em một mình…”
”Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu…. Hà!”.
Chúng tôi cũng chưa đến thăm được khu lăng mộ của anh em nhà Tây Sơn mặc dù biết đó là mộ gió an táng lại ở khu Thành Hoàng Đế ! chưa thăm được tháp đôi, tháp bánh ít nỗi tiếng, thôi đành hẹn với Quy Nhơn và dịp “về miền Thùy Dương cát trắng năm 2014 vậy.
Qua Tam Quan (Hoài Nhơn) chụp được nhiều cảnh dừa và nhớ câu ca dao thuộc lòng thuở bé :
Công đâu, công uổng, công thừa,
Công đâu tưới nước cho dừa Tam Quan
Dừa ở Tam Quan nhiều vô kể, người dân Tam Quan ngủ dưới tán dừa, làm nhà dưới gốc dừa, lớn lên, chơi đùa và khi chết thì được chôn dưới gốc dừa. Đặc biệt có những con đường quê rợp bóng dừa, ta đi mà chẳng cần đội nón vì lá dừa che mát cho ta. Người ta nói trái dừa có mắt bởi vì từ xưa đến nay, chưa ai bị dừa rơi trúng đầu bao giờ….
Xuống đèo Bình Đê thì chúng tôi đã vào đất Quảng Ngãi, bờ biển Sa Huỳnh đẹp như tranh vẽ, nước biển trong xanh vỗ vào bờ cát, tung bọt trắng xóa làm cho ai dù vội cũng phải dừng lại ngắm cảnh thần tiên này, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và chụp được nhiều ảnh ở bờ biển Sa Huỳnh lộng gió.
Qua Mộ Đức nhớ câu thơ vui:
Ai về nhắn với Chiến Khu
Đừng về Mộ Đức mất cu có ngày
Chuyện có thật xảy ra từ thời kháng Pháp, và không biết ai đã hóm hỉnh đặt hai câu thơ nỗi tiếng này
Đến Đức Tân đoàn vào thăm khu Tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nghe kể về cuộc đời hoạt động của bác và chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm
Qua Cầu Sông Vệ thì rẽ phải nhưng tự nhiên quên đường có phải:
Từ Thức xa quê dài đến nỗi
Thương nhớ nên quên cả lối về
Sau mấy năm xa cách nay cùng anh em Pano Hải Phòng trở về thăm làng cũ mà lòng vẫn bâng khuâng như đã từng đi lâu lắm!
Cơm trưa xong chưa kịp nói tròn câu chia tay đoàn đã lên đường đi Sơn Mỹ, rất lạ là ngày ấy: 16/3/1968 và hôm nay: 16/3/2013 đúng 45 năm sau ngày thảm sát, chúng tôi đã đến nơi mà tên Trung Úy Calley và Đại đội Charlie của y đã giết chết 504 người dân hiền lành, vô tội gồm toàn đàn bà, trẻ em và những người già cả ở các thôn Mỹ Lại, Tư Cung, Xóm Bãi, Đầu Voi…!
Rời Sơn Mỹ đến thăm Thành Cổ Châu Sa đã thành hoang phế, như bác Nguyễn Thanh Sơn nhận định đây là thành của người Chăm xây dựng khoảng thế kỷ thứ IX , tuy di tích đã thành hoang phế nhưng đoàn cũng đã chụp được khá nhiều ảnh đẹp
Rồi về thăm Chùa Thiên Ấn và mộ nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được an táng trên ngọn núi Thiên Ấn mà người Quảng Ngãi tự hào coi đây là một trong 12 cảnh đẹp của Quê hương mình “Thiên Ấn Niêm Hà” có nghĩa là cái dấu trời (Thiên Ấn) đã đóng trên sông (Niêm Hà) ở đây là con sông Trà Khúc thơ mộng…Đi tới đâu trong tôi vẫn nghe Âm vang bài hát QUẢNG NGÃI ĐẤT MẸ NGOAN CƯỜNG
đón đoàn tại Tam Kỳ
Rời Quảng Ngãi trong lòng ai cũng xao xuyến lắm vì chiều nay ở Tam Kỳ sẽ được Hong Anh Nguyen và chắc là cũng đang hồi hộp chờ đoàn. Phải nói là cố gắng lắm chúng tôi mới đến đúng giờ, vì từ Quy Nhơn đến Tam Kỳ rất xa và đường rất nhiều ô tô với quyết tâm là không để Hong Anh Nguyen đợi! và đây rồi thật xúc động Hong Anh Nguyen đã đón chúng tôi ngay phía trước Khách Sạn Anh Huy . Hong Anh Nguyen vốn đã xinh đẹp hôm nay càng lỗng lẫy trong bộ váy tím và bó hoa rất đẹp để đón chờ đoàn chúng tôi, tôi nhìn thấy trong mắt mọi người đều như có nước mắt sung sướng khi được gặp nhau !
Buổi liên hoan mừng đoàn Pano Hải Phòng được Hong Anh Nguyen tổ chức thân mật và rất chu đáo tại Nhà hàng Sân Vườn An Hòa nơi rất thoáng mát và bài trí thật đẹp. Còn có một băng-rôn rất trân trọng: “PANORAMIO TAM KỲ CHÀO MỪNG ĐAI BIỂU PANORAMIO HẢI PHÒNG ĐẾN THĂM QUẢNG NAM”. Buổi liên hoan còn có anh Hưng phó chủ tịch UBND Thành phố Tam Kỳ đến dự và nói lên những lời thân mật chúc mừng đoàn. Cùng vời Hong Anh Nguyen còn có nhiều bạn bè Tam Kỳ đến dự rất đông vui và cảm động, những kỷ niệm này là những dấu ấn ngọt ngào trong cuộc đời mà sẽ không bao giờ quên được...
Những chén rượu Hồng Đào, và rượu Sâm Ngọc Linh là đặc sản của Quảng Nam trong buổi liên hoan liên tục được rót ra để được thưởng thức lòng quý khách ngọt ngào của QUẢNG NAM YÊU THƯƠNG
Người ta nói khi người xưa đặt tên cho địa danh này là Tam Kỳ vì là nơi khoảng giữa của Ba Kỳ: Trung, Nam, Bắc Kỳ nhưng theo nghiên cứu của các nhà Dân tộc học cận đại thì không phải như vậy, mà nó xuất phát từ ở đây có tới ba điều kỳ lạ: Con người quý khách kỳ lạ, Non nước thiên nhiên đẹp kỳ lạ và Món ăn ngon kỳ lạ
Chúng tôi và có cả bác Ngọc Viên được Hong Anh Nguyen tặng quà, một đặc sản của Quảng Nam mà mỗi khi thưởng thức nó, hương vị ngọt ngào của nó mãi mãi còn ghi

Ngày 9 (17/3)
Tam Kỳ- Đà Nẵng-Huế-Đồng Hới-Hà Tĩnh
Mong ước là được thưởng thức món Mì Quảng nổi tiếng ở Quảng Nam thì sáng hôm nay mọi người đã được toại nguyện. Khách sạn Lê Dung được xây dựng với kiến trúc bên ngoài thật đặc biệt mang dáng dấp một khách sạn ở vùng vịnh, nội thất rất sang trọng và cách sắp xếp rất hài hòa. Đặc biệt nhất là phong cách phục vụ rất tuyệt vời, mọi người đều gọn gàng trong đồng phục màu nâu nhạt, đi đến chỗ nào bạn cũng được nghe lời chào rất nhã nhặn, từ người bảo vệ, đến nhân viên lễ tân, nhân viên nhà hàng hay người thanh toán ai cũng vui vẻ, lễ phép. Họ tạo nên một không khí rất thân mật, rất dễ chịu. Tôi có thể nói, ở Việt Nam ít có khách sạn nào lại có một giàn nhân viên đáng khen như vậy. Điều đó cho biết
KS Lê Dung - Tam Kỳ
bữa sáng do Hong Anh Nguyen đặt ở đây nó sẽ ngon miệng như thế nào. Và đúng vậy, có thể nói là chúng tôi đã thưởng thức món Mì Quảng với tất cả hương vị mgọt ngào và nội tâm thỏa mái. Cái Couryard được bố trí thành những bàn ăn, phía trên có những giò phong lan tỏa hương và khoe sắc càng làm cho buổi sáng vô cùng thóa mái, cảm ơn Hong Anh Nguyen đã chu đáo đến như vậy…
Bịn rịn chia tay, Đức Nghĩa đã lưu lại nhiều bức ảnh đẹp và anh ta đã post lên ngay bằng Ipad khi vừa lên xe như một lời cảm ơn Hong Anh Nguyen đã quá vất vả lo toan cho chúng tôi.
Vì thời gian rất hạn chế, cần phải về đến Hải Phòng gấp nên đoàn gần như không dừng lại ở đâu nhiều, chúng tôi lướt qua Đà Nẵng, Huế dừng lại thăm Thành Cổ Quảng trị thắp hương cho các Anh hùng, chiến sĩ ở đây, trong lòng chúng tôi ai cũng xúc động khi ôn lại những hy sinh to lớn của đồng bào và các chiến sĩ Thành cổ.
Thăm bến đò Thạch Hãn gần cửa Bắc, những câu thơ cháy lòng như ngân vang đâu đây:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Về đến Hà Tĩnh đã gần 8 giờ và kết thúc một ngày với chặng đường hơn 500km.

Ngày 10 (18/3)
Hà Tĩnh – Hải Phòng
Buổi sáng, Hà Tĩnh mưa nhẹ, trời thấp hơn, mây u ám…đường qua Hà Tĩnh quen thuộc rồi nên không dừng lại chụp nhiều, chúng tôi đã nhiều lần thăm quê hương Hồng Lĩnh, thăm Ngã Ba Đồng Lộc nơi có 10 cô gái anh hùng hy sinh khi đang bảo vệ Quốc Lộ 15 cho xe ta thông tuyến vào chiến trường diệt Mỹ, Thăm Làng Tiên Điền Họ Nguyễn ở Nghi Xuân…
Vượt Sông Lam Pano Hải Phòng về thăm Cửa Lò, Thị xã du lịch phát triển thật nhanh chóng, nhớ năm 1984 khi lần đầu chúng tôi đến đây chỉ thấy có vài ngôi nhà nhỏ và một nhà nghỉ Công đoàn, nhớ đêm hôm ấy về chơi Cửa Lò không có điện, nên tức cảnh làm bốn câu thơ bây giờ vẫn còn nhớ:
Đến Cửa Lò sao chẳng thấy Lò
Đêm về mất điện phải nằm co
Mấy đứa rủ nhau chơi tá lả
Canh khuya nến tắt phải đi mò
Ngày nay Cửa Lò có cảng lớn, có resort có siêu thị và trung tâm mua sắm, có khu công nghiệp khang trang hơn trước nhiều lần…
Rời Cửa Lò xe lại bon bon vượt Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu về Thanh Hóa đã là giữa trưa, đoàn dừng lại Quảng Thành (Quang Xương) để ăn trưa rồi lại tiếp tục đi về Ninh Bình qua đường 10 để về Nam Định
Thế là chuyến Lữ hành “Tháng Ba Mùa Con Ong Đi Hút Mật” đã hoàn thành tốt đẹp lúc 5 giờ chiều ngày 18/3/2013
*
Đoàn đã mang theo mình về Thành phố Cảng bao nhiêu nhớ thương, bao nhiêu kỷ niệm trong suốt 10 ngày đường gian nan nhưng vui vẻ…

7 nhận xét:

  1. Nghe pac kể chuyện, như một câu chuyện của những chàng lãng tử đi phiêu du ngắm đất trời, lại như có một nhạc sỹ trong lòng, nên luôn đệm những bài hát gắn với các địa danh lịch sử. Cũng như là một chuyến đi thăm thú anh em bè bạn bốn phương sau bao xa cách.
    MỘT CHUYẾN ĐI THÚ VỊ VÀ BỔ ÍCH
    Hùng đầu bạc

    Trả lờiXóa
  2. ccb Cơ điện19:47:00 6 thg 4, 2013

    KHiếp . Đi từ A sầu đến Thạnh Mỹ mà đi đêm lên đèo Roàng thì khủng khiếp . Tôi đã đi trong mưa phùn ban ngày mà đường đã nhìn rất hạn chế thì đêm khuya lên đèo là rất liều lĩnh .

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá nhể, đi những chuyến thế này mới thấy đất nước ta tuyệt vời thế nào

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Đào Việt Dũng đã đăng ký sự này...Rất cảm ơn và chúc mọi người vui khỏe

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Xin chúc mừng bác Dũng và bác Hiếu nhé!

    Trả lờiXóa
  7. Đã đôi lần ngồi nói chuyện với Đào Việt Dũng về cái thú chơi ảnh, và được anh nói về hội PANOMARIO Hải Phòng. Hôm nay được đọc kí sự "Tháng ba con ong đi hút mật" này lại càng thấy thêm hấp dẫn. Thật tuyệt vời. Xin gửi lời chúc mừng đến hội "Ảnh Hải Phòng". Đặc biệt, xin cái bắt tay bạn bè đồng môn với Chế Trung Hiếu K10IA. Mình là Quang K8MA.
    Nhân đọc lại bài thơ về các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị đăng trong bài. Quang xin viết mấy câu đáp mà Quang đã viết sau một dịp thăm Thành cổ.
    Các anh ra đi từ mọi miền đất nước
    Để đến đây nằm xuống, một nơi này.
    Sóng thạch hãn vẫn vỗ đêm ngày
    Như cánh tay các anh với tìm vai mẹ.
    Các anh ơi, hãy bình tâm nhé!
    Các anh mãi là con yêu quí của mẹ Việt Nam.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]