K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

22 tháng 6, 2011

Con đường ra ga Lưu Xá


CCB Cơ Điện
Bây giờ già rồi. Nhiều khi cứ lẩn thẩn nhớ những chuyện đâu đâu. Chuyện bạn bè. Chuyện học hành. Chuyện quê. Chuyện đời lính. Chuyện tình yêu ban đầu, ban giữa, ban cuối.  Và  chuyện những con đường đã đi qua.
Con đường làng đến lớp.
Con đường đêm nao nắm tay bạn gái nhùng nhằng duới trăng.

Con đường hành quân vào chiến dịch ... Con đường nào cũng nôn nao kỉ niệm, cũng nên thơ nên nhạc. Ấy vậy mà tôi cứ loay hoay nhớ về một con đường ngắn thôi nhưng từng gốc cây bụi cỏ, từng mô đất sỏi đỏ, từng nếp nhà, cứ như cái thước dây kéo ra đến đâu là nhìn thấy chữ số đến đó.
Con đường từ cổng trường ĐH Cơ điện ra ga Lưu Xá .
        Lẩn thẩn, tôi mới tính rằng một năm học bao nhiêu tháng, mỗi tháng bao nhiêu tuần, bao nhiêu lần ra tàu về nhà rồi lên trường. Tôi nhân với năm năm thấy khiếp. Nhưng sự khiếp ấy chưa ấn tượng bằng chỉ có ở đoạn đường hai cây số ấy nó là đoạn không gian chứng nhận cảm xúc thật nhất của đám SV chúng tôi. Nức nở vì thi rớt, bồn chồn vì về nhà nhưng bài tập lớn chưa nộp. Lăn tăn vì chuyến trốn vé này có giống chuyến trước không. Bao dự định cho một ngày về nhà đang ở phía trước. Khoái trá vì tối thứ bẩy cầm được tay đứa con gái cùng phố, hay dí được cái thư cho mấy đứa gái sư phạm, rồi lại bứt rứt vì mấy kí mì sợi và chút thức ăn mà bố mẹ gói cho đang kềnh kệnh bên sườn.
       Ra khoỉ cổng trường (gọi là thế chứ ngày ấy làm gì có cổng) là ăn ngay vào con đường sỏi đỏ. Ngay đầu là quán bà Mồm, quán Thê, quán ông Già. Nói đến quán ông Già mình nhớ mấy cái quán bún ốc trên Tây Hồ cũng mang cái tên như thế. Mình đồ rằng sự ra đời hệt như với cái quán nước ông Già trên trường mình mà thôi. Con đường đầy sỏi đỏ. Hai bên là những bụi dứa gai xanh ngằn ngặt.
       Cứ khúc nào chạy qua đồi thì ven đường lại dàn dạt những bụi lá sả. Hồi ấy thịt chó chưa thành khu CN nên sả không có tiếng tăm gì, ngoại trừ đun nước gội đầu cho mấy mẹ TNXP K5. Gần đến ga là nhìn thấy mấy khu nhà công nhân. Những chủ nhân ngôi nhà này rất thiếu thiện cảm với bọn mình. Kể cả các nhân viên nhà tàu cũng vậy. Nghĩ lại vẫn căm. Ai đời, tụi mình trốn vé nhiều quá nó bắt xếp hàng hai vừa đi vừa hát thì nó cho ra cổng. Tội gì mà chẳng hát. SV vui vẻ nhiệt tình vừa ra cửa soát vé vừa hát Giải phóng miền Nam. Xa lắc rồi nhớ lại vẫn cười hưng hức.
Vé tầu Dũng chit còn giữ làm kỉ niệm.

Lúc chưa đi bộ đội, ra ga về xuôi là ở ga Lưu Xá A. Cái ga ở T Ba Nhất đi thẳng ra,đi đường đất chưa có rải sỏi. Năm 72 , B52 đánh vào tan nát thế là ga Lưu Xá B lại là ga chính. Có hồi, những kì ôn thi bọn mình phải ra ga học dưới chân cột đèn đường. Muỗi đốt cũng thây kệ. Nửa đêm mới về. Sao có thời SV lo cái sự học đến thế!
        Con đường này có hai kiểu đi khác nhau. Lúc đi ra thì hối hả, nói cười. Những đứa con gái vừa đi vừa chạy cho theo kịp lũ con trai. Còn lúc đi vào thì lững thững nhùng nhính đầy luyến tiếc dư vị quê nhà. Chỉ có tụi đi đón là khoái. Có thể hạ trại ngay ven đường bên rặng dứa gai mà khợp những cái bánh mì bạn mới mang từ Hà Nội lên, hoặc tươm hơn một chút thì ngay đêm đó nấu mì xuông ngoài góc sân bóng đá. Đến khuya chủ nhật con đường này vẫn thấp thoáng bóng SV Cơ Điện. Về cuối cùng trong đêm muộn là những đứa đi đón người yêu.
         Năm năm trời. Khúc đường sỏi gập ghềnh đón những SV măng tơ ngập ngừng đến trường, rồi nó lại chia tay với những kĩ sư chững chạc ra đi muôn nơi. Vui, buồn nó đều chứng kiến và nhẫn nại đưa đón chúng tôi. Khúc cong đầy đá lên dốc trông như dáng  tảo tần một thủa học trò nghèo cặm cụi với đủ thứ đồ án và liên miên những kì thi cử.
Năm năm trời dù nắng hay mưa chiều thứ bẩy cũng cứ vui như đi hội. Trò cũng thế mà thầy cũng thế. Vội vã trở về rồi vội vã ra đi. Chỉ con đường là lầm lũi làm chứng nhân cho sự trưởng thành của những cái đầu khoa học non trẻ cắm trên những cái bụng rất đói.
        Hơn ba mươi năm ra trường. Chả mấy ai trở lại con đường một thời gắn bó với mình. Chẳng còn bụi đất đỏ như ngày nào nữa , nó thành đường phố rồi. Những dẫy dứa gai, hàng xả bụi sim mua nay thành nhà cửa xây hình ống xanh đỏ, nhôm kính lập loà. Chỉ có ga Lưu Xá vẫn nguyên chỗ cũ. Những con tàu hoả cũng vẫn mệt nhoài hú còi vào thinh không những đêm chủ nhật và những chiều thứ bẩy. Lứa SV ngày nay ít đi tàu hoả hơn, mà có đi thì họ chắc cũng không hình dung gần bốn mươi năm trước cha anh đi tàu thế nào.
Ôi, con đường mang bao kỉ niệm

Đứng dưới biển cấm để tìm lại cảm xúc ngày xưa


Hân hoan như trở lại căn nhà quen....

6 nhận xét:

  1. Mình định kỳ tới ôn chuyện con đường này thế là cơm toi có anh nó đi tắt trước mất rồi.Nhưng không tiếc lắm mà còn vui hơn vì hắn viết hay hơn mình nhiều lắm .Giờ đến ta cũng chẳng biết bao giờ lại được đi tàu từ HN lên Lưu xá đây,Ôtô quá nhiều lại tiện hơn,hay là đến 2015 tổ chức Hội K6 ở Thái nguyên mà bắt mọi người phải đi đúng con đường xưa đã đi-dĩ nhiên phải có ve tầu,xe ngày 01-10-2015 làm chứng,mọi người nhất trí không xin cho biết nhé.

    Trả lờiXóa
  2. ÔI làm sao mà BBT lại có những tấm ảnh tuyệt vời thế nhỉ . Các bạn ơi , trên con đường này biết bao kỉ niệm của bọn mình . hãy viết nhiều về nó đi . Thọ mom có ý kiến hay đấy .

    Trả lờiXóa
  3. Cac anh viet ve con duong tu T3Nhat ra ga Luu Xa hay qua, mot quang duong day cam xuc. Cung lau lam roi em khong di lai con duong nay ma nghi ve no cu thay nao nao trong long, oi ky niem...

    Trả lờiXóa
  4. "Con đường từ cổng trường ĐH Cơ điện ra ga Lưu Xá". Đọc bài này của các anh mà em thấy nao nao nhớ quá (em tin rằng tất cả những ai đã từng là sinh viên CĐ cũng đều như vậy). Cảm ơn các anh đã cho chúng em nghĩ về những kỷ niệm về con đường nhớ những đêm ra sân ga xen ti vi miễn phí về những trận bóng đá hay, nhớ những chuyến tàu chật cứng người, tụi sinh viên CĐ vất vả chen lấn từ toa nọ sang toa kia để chốn NV kiểm soát vé, nhớ những buổi chốn vé bị bắt, nhớ cả những buổi đi bộ dọc đường tàu từ ga Lưu Xá lên ga TN để tám gái ĐH sư phạm Việt Bắc, ĐH Y khoa TN.... nhớ qua đi thôi bao giờ cho đến ngày sưa !!! để đắm mình trong bao kỷ niệm đẹp, thời ấy nghèo quá, nhưng lại quá giàu tình người, thời ấy SV chúng ta chân thành mà giản dị nhưng yêu nhau đến thế. Cảm ơn anh Thọ mom đã đưa ra ý tưởng hay đi lại tàu hoả về ga Lưu Xá. Sinh viên K19 mạn phép thực hiện ý tưởng đó trước các anh vì 6.12.2001 chúng em gặp nhau tại Thái Nguyên rồi. Cảm ơn anh nhiều nhé !!!

    Trả lờiXóa
  5. Em xin đính chính ngày 6.12.2011 K19 hẹn hội ngộ tại Thái Nguyên chứ 2001 thì đã qua rồi.
    Các anh K6, K10 có nhiều vật kỷ niệm quá tiếc rằng bọn em chẳng giữ được nhiều. Kinh mong các anh đưa nhiều lên Blog để tụi hậu sinh chúng em cùng hoài niệm. Cảm ơn các anh nhiều nhiều !

    Trả lờiXóa
  6. Ngả mũ trước các bậc tiền bối....đọc bài này nhớ mẹ ở nhà quá. Em K33 nhưng lớn lên với Ga Lưu Xá, Chợ T3 Nhất, Trường CĐ...

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]