K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

24 tháng 5, 2016

CHUYỆN K10IA XƯA

TRẦN MINH HẢI - K6I

          Nhoằng một cái lớp K10IA ra trường đã qua 37 năm! Thi thoảng tôi nhớ lại cứ tưởng như mới chưa xa lắm. Viết bài trình các bác CCB K6 đa phần về K10 học tiếp, chuyện ngày xưa.

         Từ đầu tháng 11/1975, 6 thằng lính tráng lớp K6I cũ bọn tôi về K10IA: Ngô Thịnh dân trinh sát, Đào Dũng + Sỹ Dần vốn là y tá, Tạ Nhưỡng + Nguyễn Tiến lính bộ binh, tôi lính đồ bản Tăng thiết giáp. Ngoài ra còn có Nguyễn Khoa (dân K4I cũ), chuẩn úy thương binh cụt chân Chế Hiếu.

         Có thêm 6 bác là công nhân cử đi học: Hạnh gầy guộc tóc xoăn (Lương yên), Mỹ bộp chộp -gầy dây nhăng nhẳng (Ninh bình), Đình Khải lưng còm còm, mồm rộng cười tươi (Vĩnh phú), Trương Ngọc mắt lé mũi nhòm mồm, đầu gối củ lạc, Trọng Đức (Hải phòng) da trắng tóc xoăn + gù lưng + nói ề à. Đinh Trọng mặt nông dân, tóc dựng ngược, người cùng về bộ CK-LK với tôi. Kể ra các tên trên ngồi ở chiếu trên vì tuổi đã cưng cứng ra rồi.
       Lớp có thêm 6 tên K9 nhảy dù xuống là: Luật còm, người lục cục toàn xương  xẩu mà hát hay đàn giỏi, Đình Thả da tai tái, dép lê lệt xệt (sau này là chủ tịch hội CĐ ở Ninh bình) + Văn Hùng cao như cây sào Hải phòng chính hiệu (2 tên làm 1 cặp chuyên đi nhởn tối ngày hiếm khi ở phòng), nữ siêu mẫu (cao gầy) Ngô Nga nói chuyện rất có duyên. Quang Bản TP hoa phượng đỏ. Quỳnh Dương con gái rượu của tướng Bằng Giang lẫy lừng một thuở.
      Kiều nữ chính chủ K10IA có hai mống là Thái Diệp (Hà tây) và Kim Hải nhà gần sân Hàng Đẫy. Sau này có thêm Quỳnh Dương (K9 xuống, đột ngột cưới Nicôlai Ngâm dạy môn toán -máy chém CĐ), Thúy Mùi (học LX + ĐHBK Hà nội về, chăm chàng Trương Ngọc một năm, đợi K10IA ra trường, thì họ mới cưới nhau). Các em nó khi về già hay đi tung tẩy đó đây lắm.
       Đẹp trai nức tiếng toàn K10 là Minh Đức (sắt tráng men Hải Dương) ở cùng phòng tôi. Nhiều chị em tới chơi, mắt nhìn hắn cứ không chớp (chứa nhiều hàm lượng si mê đắm đuối). Sau đó là bác Tiến đẹp giai K6I về vẫn còn phong độ đẹp -Nguyễn Vượng, mắt liếc lẳng (phố Hàng bột) - Đắc Thủy thằng em con cô ruột của Dũng chít (Đồng mỏ).
       To con ngoài Thịnh Lớp trưởng ra còn có Ngô Trực (dân Ninh bình) lớp phó ĐS mặt luôn đỏ, giọng nói ồ ồ-Doãn Hải (Hà đông) có thân hình lực sỹ, nổi múi các cơ bắp. Các “Tréc lơ mo“ thì nhiều: Dũng chít vẫn luôn là giám đốc cho vay tiền, kiêm cán sự môn Cơ lý Phớn - Văn Hiền (ngụ cư Sơn la) có bộ nhá, men răng hơi bị hỏng -Bá Đức khuôn mặt Núi đọ điển hình, thần cày Hà tĩnh, (dân cá gỗ mà rất thảo cho anh em mượn xe đạp và thước tính Lôgarít dùng thường xuyên) - Phước Sơn (Nghệ an) ngồi còm rom đầu gối quá tai, tính bắng nhắng + ngồi vào bàn học thì tập trung cao độ +óc thông minh - Nguyễn quang Bản (Nam hà) mồm tươi + đi đứng +nói năng xuề xòa như anh nông dân quê mình - Lê Xuân Hòa ( Thành phố Thái nguyên), mồm hơi vẩu vui tính, đi lắc lư, có mái tóc bờm xờm, vừa lên sau tôi hôm bảo vệ tốt nghiệp đã ngất xỉu. Lê Niệm (Lạng sơn) trắng trẻo nói cười nhỏ nhẹ như gái dân tộc.
       Bùi như Lộc chuyên mặc áo đen khuy gài như áo tàu khựa. Vũ Liêm giống y chang Hùng mỗ K6I mặt hăn hắt đỏ -sống mũi cao. Vũ Đoàn còm rom. Một số chú em có các đặc điểm riêng, tỷ như là: Văn Cường gật gù, Văn Bình cận thị (2 tên này đều là dân Nam định), Hùng bò mắt xếch mồm rộng, nói ngang, Quý phố Tây sơn bé loắt choắt, cười lộ hàm răng khểnh tươi tắn. Cao gầy và hơi gù gù lưng có nhiều tên lắm: Tô văn Tỉnh (Bắc thái) ít nói mà cười tươi - Khắc Lệ (Vĩnh phú) mắt sâu -lông mày rậm -nói như máy khâu (sau y chang các thầy Máy điện, chém SV dữ dằn lắm). Quách Vân nhỏ con, cán sự môn, nhanh như chuột nhắt. Khắc Lãi học chăm khét tiếng, sau này được trường giữ lại làm Thầy giáo (ngược với Lệ, hắn được SV, CB đi học quý mến vì hiền hậu và sống chân tình)
        Nguyễn thượng Hiền nghe dân đồn làm to - ngại gặp đồng môn? Quang Lanh mồm bậu, đi SQDB ở lại lính về rồi làm to -nghe nói chu đáo với hội K10 thường niên đi ngang qua? Đỗ Dũng mập mạp, tướng ngũ đoản hay cười hề hề “quê em cầu tõm mà“. Phạm Hải mắt đen nháy+cao gầy+da ngăm ngăm (Đà nẵng ra học). Tay Hải Trường cao và có nét mặt khó tả nổi - na ná như tàu khựa? 
        Tôi nhớ nhất thằng em cùng họ Trần văn Tiến, hiền lành hay rủ rỉ tới tâm sự với tôi mọi thứ, nó cùng đi khóa SQDB như tôi-sau này đăng lính gắn lon Thiếu úy Tăng.
      Các khuôn mặt tôi quên béng là: < Phùng công Thái (Nam định) Trần quốc Vượng (Hà nội) Nguyễn văn Tuấn (Nghệ an) Nguyễn văn Nam (Hải hưng). Khương kim Lý>.
        Khắc Khoa to béo (dân chặt đầu lột da Khương thượng) mắt híp+cười hề hề+suốt ngày gãi người do da dị ứng cơ địa. Chế Hiếu bám bàn học đúng giờ giấc -đằng sau vẻ khinh bạc là tâm hồn yêu thơ Tiền chiến. Thịnh suốt ngày tâm sự với Triệu Bình K6MB, Luân đen K5M (Thịnh cưới vợ hôm 6/1 tết-4/2/1979). Dần con dù bận gì nghe lão Thuộm réo gọi là đi luôn. Đa số CCB K6 ta đổ bộ về K10, (lẻ tẻ các lính K6 về sớm K8 luôn mò tới chơi Mom, Hoạch, Viêm...)
        Có chuyện vui về “Tình Cơ điện“: Ba tên “Ngự lâm quân“ Hồ+Thanh (K6A)+Nam (K6I) dắt díu nhau cưa trọn 3 cô bạn gái vốn chơi thân với nhau -về làm vợ! (Rõ là Hoa thơm đánh cả cụm).
        Tôi thường xuyên gặp lão Chít để “liên hệ công tác“. Lại phải nhờ bác Dũng chít bổ sung thêm các tên tôi quên, viết chưa đủ được. Bác Chít ta đã công phủ lập ra sê ri ảnh CSV lớp K6I, đăng ở Blog K6BC11R. Ngóng dài cổ ra đợi các chú em trẻ K10IA, giỏi và lắm ảnh tại Facebook -sao không có sê ri ảnh lớp mình?

        Kỷ niệm 4 năm tôi học lớp (từ 11/1975-8/1979) là có rất nhiều!. Vừa thú vị, vừa đặc sắc, có vui có buồn, có cái riêng tư, biết được các mối tình đầu tình cuối -nhất là ở các bạn tôi quen. Chưa được sự đồng ý của họ tôi nào dám viết ra. Đành lớt phớt dăm câu vài điều dưới đây vậy!
        Các tiền nhân đã phán “có thực mới vực được đạo“, quả là ở K10IA đói triền miên: hàng sáng trừ chủ nhật được nửa cái bánh mỳ, trưa chiều 5 thằng 1 mâm. Cơm luân phiên: độn ngô, hay bánh mỳ, hạt bo bo, mỳ sợi, mỳ hạt.. thợ làm bớt bột cân điêu, ăn rồi như chưa ăn, nhiều khi đói mờ mắt không học nổi. Canh đại dương nước tươm 1 tý -cái rau là loáng thoáng, dù rau cỏ có rộ nhiều theo mùa giá hạ. Thức ăn mặn thường là mắm tôm, đậu phụ, cá khô, thịt mỡ mỏng tang. Thành thử ra, bát sắn cõng xôi 1 hào là quý, cái bánh rán 3 hào tẩm mật là sang, ốm mới dám xông hơi bát phở Sáu Hát 1 đồng. Mua được gói bích quy Hương thảo+gói thuốc lá Sông cầu là đầu câu chuyện thuở ấy đấy! Trưa nắng ra khỏi phòng thi, nhà để phần cái bánh mỳ cứng quèo, đặt trên bát con có tý mắm tôm nấu loãng mặn chát, tý nước canh lõng bõng... nhớ tới tận giờ.
         Hai tháng 3,4/1979 tiêu chuẩn lương thực đi thực tập là chỉ có 1 kg gạo+16,5 kg bột tiểu mạch cán ép/tháng. Đói vậy mà dân ta chăm chạy bộ buổi sáng lắm. Lớp đăng ký lớp XHCN, những năm đầu có đội cờ đỏ hoạt động sôi nổi (sáng tập thể dục cả lớp, tối vào giờ tự học, có sinh hoạt chi đoàn đều đặn...) Về sau lũ em ta tinh khôn ra +các bác CCB mo phú tất “sống chết, bom đạn các anh đây còn chả sợ -sợ gì mấy thằng em đeo băng đỏ! Thi đạt vòng đầu là cái căn bản nhất!“. Sau này thì các phong trào xẹp dần như các lớp khác cả thôi! Chả còn chúa nữa!

        Tình Thày trò giữa SV và các thầy cô dạy K10 ấn tượng là ấm áp. Riêng 2 thầy Chủ nhiệm khoa điện Phạm Thơm, phó khoa Lê đình Tư (người có cặp giấy chứa giáo án và dăm biên bản phạt in sẵn +cần ăng ten đài chỉ bảng đen) nghiêm khắc và giơ cao đánh khẽ, rất thương các CCB về học! Tổ chức cho lính về học bù 1 lèo môn Triết, các môn bị thi lại trước khi đi lính, nay cho đạt! Thi Chính trị quốc gia xét vớt cho nhiều CCB. Đến nhà thầy chơi được khuyên bảo như hàng con cháu. Các thầy tâm huyết mở Phòng Truyền thống Khoa điện đặt tại A4, khai mạc hôm 29/10/1978 -mở 2 tháng trời rất đông người xem (Tôi, Luật còm lớp IA, Bình cận lớp IB tham gia làm cùng các thầy từ 10/9 đến 28/10).
       Bạn Vị K6I được giữ lại làm giáo viên trường ta, dân  K6 với “Tình đồng môn“ tấp nập đi tàu + đạp xe tới dự đám cưới tại Phổ yên (hôm 12/2/1978). Thầy Chiến Giáo viên chủ nhiệm lớp K10IA cưới vợ ngày 12/3/1978, tôi đến phục vụ trang trí đám cưới 2 hôm tại Viện TK bộ Nội thương, Lớp cử phái đoàn tới chúc mừng thầy trang trọng lắm. Thường là vào mùa thi, khi gọi tên SV trả bài, thấy màu áo lính thầy cô châm trước cho ít nhiều (vặn hỏi ít, tha cho qua nhều). Có cảm giác các thầy dạy 2 môn cơ sở (Kthuật điện+TĐ điện) +Máy điện+Kinh tế điện+Trang bị điện chung là hắc xì dầu -làm không khí lớp căng thẳng. Kiểm tra trước khi thí nghiệm môn Cơ sở TĐĐ đuổi trò về ào ạt. Chả bù cho các thầy dạy môn Cơ khí cho dân điện học: nhẹ nhàng dí dỏm giảng bài -nặng tay chém khi hỏi thi (giải quyết khâu oai-môn cơ khó hơn nhiều môn điện!). 
       Chiến tranh qua vài năm, các thầy cô thương lính qua trận mạc-mà còn sống về học tiếp lắm (Giờ nghỉ giữa 2 tiết các thầy cô hay tâm sự với lứa SV già). Lũ CCB đi đến nhà riêng của các thầy cô (khi nhà thầy cô có việc, ngày 20/11,tết nhất)... thấy giáo viên trường mình sống đa phần nhà gianh vách đất vất vả, sinh hoạt đắt đỏ lắm. Phục các thầy học giỏi thưở sinh viên, nghiêm túc trong giảng dạy, chấm điểm thi công bằng, sống có nghĩa tình với học trò...

       Truyện nhảy tàu trốn vé như tập phóng sự dài kỳ, còn SV thì còn được viết ra tiếp (Không kết thúc được ở vào thời bao cấp). Tôi còn ấn tượng về nỗi khổ tránh tàu ở các ga Gia lâm, Yên viên, Đông anh hàng giờ, chen chúc nhau trong toa lèn cứng người khi về Tết. Biết chuyện đó sẽ là tạo duyên cớ cho nhiều trai tơ Cơ điện làm quen với nữ sinh Y, SPhạm, NNghiệp Việt bắc? Để thứ năm hàng tuần (nghỉ lên lớp ở nhà làm bài tập lớn) và chủ nhật quân ta đổ bộ tới các trường kể trên. Kết quả là dăm tên quen nhau trên tàu -rồi họ yêu nhau, rủ nhau đi chơi-giời biết đã làm gì! Nhìn các cú bay người xuống ga Đầu cầu, chắn tàu Trần phú (khi tàu xuôi), ga Lưu xá B (khi tàu ngược)-là đích thị thần dân Cơ điện ta rồi.

       Giờ trước khi ngủ, tôi hay gác tay che mắt-đó là di chứng của 4 năm học ở cùng phòng -mà 2 bóng đèn tối không bao giờ tắt. Mở mắt ra là thấy các chú em xứ Đàng trong trùm chăn kín đầu im lặng học bài. Nhớ những sáng chủ nhật từng tốp hý húi nấu mỳ sợi với dăm quả cà chua và ít hành lá (ở gian xây dở giữa khu nhà A4). Các buổi tối ra quán gọi ấm chè, đĩa lạc rang nhấm nháp- về cày qua đêm ở các mùa thi cử. Buổi sáng dạo chợ T ba nhất thử chè, kiếm ấm để tối đun nước sôi bằng “tàu ngầm“ pha xì xụp uống, lè lưỡi cuốn điếu thuốc lá sợi Lạng sơn vào miếng giấy pô luya. Cửa sổ gác hai phòng 18 nhà A4 của tôi nhìn ra chợ, hàng sáng mờ sương, buổi chiều nóng bụi..tấp nập thầy trò qua lại. Buổi tối các cặp yêu đương hối hả đi nhanh qua. Tựa như màn ảnh sống động nhiếu màu sắc!

      Sau này tìm hiểu lớp, tôi mạo muội đôi điều (đúng sai xin đồng môn thể tất, chớ vặn vẹo bắt bẻ): Dân K10IA ít người thành đạt so với cả khóa?! Sau khi tốt nghiệp đa phần Nam tiến lập nghiệp... việc tổ chức đi hội đồng niên ít ỏi. (K10IB họ đi đều lắm) Dân ta không mặn mà đi riêng lớp, mà khoái đi cả khóa chăng? Chỉ có chị em hăng hái đi các hội từ bấy đến giờ! Thấy các nhóm nhỏ chỉ hăng hái Facebook (đăng bài+ ảnh trao đổi nội bộ). Dân K10 Máy họ huy động được nhiều người viết, chủ trì ra được 2 cuốn Kỷ yếu K10 hay và hấp dẫn. May mà còn có các cựu sinh viên K6+K10 có ý tưởng và lần lượt xây dựng được 3 Blog (K6BC11R+K10 Cơ điện+CSV K6 Cơ điện) làm nơi cho thần dân Cơ điện cũ gặp gỡ giao lưu tại không gian ảo. Hy vọng bài viết nhỏ (có đúng-có sai-có nhầm lẫn này) sẽ gợi mở tiềm thức các đồng môn K10IA, mỗi khi có dịp nhớ về lớp ta.

Xin cung cấp một vài tư liệu, để đồng môn K10IA nhớ lại đôi chút:
-11/1975 Lính K6 trở về- lớp đang học HK1 năm thứ hai, HK2 (25/1 đến 23/6/1976)
-Năm thứ ba HK1 (30/7-28/11/1976) và HK2 (2/12/1976-8/5/1977)
-Năm thứ tư HK1 (4/9-31,12/1977) tham quan Phòng điện tử Gang thép hôm 15/11và HK2 (2/1-1/7/1978)
-Năm thứ năm có một kỳ học (25/8-24/11/1978)
- 2 đợt đi lao động: đắp mương tiêu hồ núi cốc, gần ga Lương sơn (30/11-15/12/1976) và trồng sắn tại đèo bóp, gần ga Hợp tiến (23/3-2/4/1978)
- một đợt nhập ngũ chống Tàu (10/8/1978) lớp ta có Doãn Hải, Văn Hùng đi
-Thực tập công nghệ (9/5-9/7/1977) CCB K6 được miễn vì đã làm năm 1972.
-Thực tập Xưởng trường (13/3-24/5/1978). tham quan Cán thép Gia sàng,khu Gò đầm (PT ô tô 1 và Y cụ 2)
-Thực tập tốt nghiệp đi các cơ quan xí nghiệp ở các tỉnh thành (1/3-30/4/1979)
-Thi Chính trị quốc gia hôm chủ nhật 25/2/1979
-Lễ phát đồ án tốt nghiệp: sáng 3/5 (hoàn thành ngày 30/7/1979). Ngày bảo vệ đồ án 15/8/1979 trở đi 
-Một số CCB và CSV tham gia khóa HL Sỹ quan dự bị Tăng thiết giáp (13/10/1979-15/1/1980)

                                                                                                                      



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]